Cộng đồng mạng, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ đang lên án gay gắt những video đăng tải trên một kênh YouTube với nội dung phản cảm, nguy hại tới trẻ em.
Cụ thể, kênh YouTube này đăng tải hàng loạt video hướng dẫn làm giả xà phòng, sữa tắm, nước rửa bát, bột giặt từ các nguyên liệu có thể ăn được với những tiêu đề rất dễ gây hiểu nhầm cho trẻ nhỏ.
Trong đó, nổi bật là đoạn phim có tên "Ăn xà bông uống sữa tắm...". Nội dung đoạn clip ghi lại hình ảnh một nhân vật trêu đùa bạn bằng cách làm giả xà phòng, sữa tắm từ sữa và socola trắng. Sau đó uống sữa tắm và ăn xà phòng giả trước mặt bạn. Nhân vật còn lại làm theo nhưng với xà phòng và sữa tắm thật.
Tất cả các video của kênh này đều sở hữu số lượng view “khủng” với hàng triệu lượt views. Tuy nhiên, những nội dung này lại có thể gây hậu quả đáng tiếc nếu trẻ bắt chước và làm theo. Nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước và yêu cầu YouTube cần có biện pháp để xử lý kênh này.
Hàng loạt video triệu views dạy làm nước rửa bát, bột giặt giả để ăn thử khiến dân mạng phẫn nộ vì có nội dung dễ gây nguy hiểm cho trẻ em.
“Video chỉ để dành cho người lớn giải trí. Tuy nhiên, theo mình thấy, đối tượng xem chính của kênh này chủ yếu là trẻ em. Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu những video này được trẻ không hiểu rõ sự việc và vô thức học theo. YouTube cần nghiêm khắc xử lý, gỡ video chứ không phải vẫn bật quảng cáo cho họ kiếm tiền như hiện tại”, tài khoản Mai Anh bày tỏ quan điểm của mình.
Tài Nguyễn bình luận: "Cứ cho là trẻ em sẽ dùng sữa và socola thay cho hóa chất thật. Nhưng làm sao chắc chắn rằng trẻ em rửa sạch bình chứa? Ngoài ra, mục đích cuối của nhân vật kia cũa là để bạn mình ăn xà bông và sữa tắm thật. Điều này không có tính giáo dục".
“Video có nội dung độc hại thế này mà chưa bị YouTube tuýt còi? Cần phải có xử lý khi YouTube để hai thanh niên này kiếm tiền trên những trò chơi nghịch dại dạy trẻ con. Thật vớ vẩn!”, tài khoản Minh Hoàng đề nghị.
Video làm giả nước rửa bát để uống nhận được gần 4 triệu lượt xem ở thời điểm hiện tại.
Tố Như viết: "Đây chính là lý do tôi không cho con sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều. Dẫu phụ huynh có cài đặt các tính năng giữ nội dung an toàn cho trẻ nhưng vẫn không thể kiểm soát được. Mỗi năm có rất nhiều kênh YouTube mới ra đời, và muốn duy trì phải có nội dung đặc sắc, khác biệt, thậm chí làm tổn thương chính mình để câu view".
"Video giải trí cho người lớn nhưng trẻ em lại sẽ là người trực tiếp bị hại. Tôi nghĩ cần report để YouTube phạt và xóa vĩnh viễn kênh này đi. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát các kênh YouTube khác tương tự có sử dụng đề tài, nội dung về chủ đề trẻ em có thể bị hấp dẫn", Thùy Dung thẳng thắn.
Kênh YouTube này hiện đang thuộc quản lý của mạng lưới Freedom, nơi đón hàng nghìn kênh từ Yeah1 sau khủng hoảng hồi 2019. Mạng lưới Freedom được thành lập từ năm 2013 có trụ sở tại Philipines. Sau khi thu nhận hơn 1.000 kênh từ Yeah1, Freedom đang có gần 3.000 kênh với gần 6 tỷ lượt xem mỗi tháng.