- Tôi tự hỏi, trước khi có một Đàm Vĩnh Hưng như hiện tại, một nghệ sĩ nổi tiếng suốt hai thập kỷ, anh là ai và cuộc sống của anh như thế nào?
Tôi là người một người bình thường như bao nhiêu người. Tôi là một thợ làm tóc, kiếm cơm hằng ngày. Tôi ở nhà ông bà ngoại từ nhỏ. Sau này lớn hơn một chút, thấy đi về hôm khuya bất tiện nên tôi ở nhờ nhà của những người anh chị xã hội.
Họ lo lắng thương tôi. Tôi thuê chỗ làm tóc ngay cạnh đó luôn. Phòng nhỏ đủ trải cái nệm mỏng ra ngủ. Tôi ở nhờ thôi, không mất tiền thuê, chỉ thuê mặt bằng ngoài làm tóc. Anh chị thương tôi lắm, coi tôi như em ruột. Đi làm tóc vậy nhưng đêm nào tôi cũng ước mơ hát hò.
Tôi mê hát lắm. Tôi đam mê ca hát có từ những ngày thơ bé. Thời cấp 1 cấp 2, tôi đã nổi tiếng, nhất là cấp 2 khi lên lớp 6, tôi đã là một hiện tượng của trường Ngô Quyền. Các bạn gọi tôi là "Mặt trời bé con". Khi tiết học còn 5, 10 phút, cô giáo dạy Văn dẫn tôi qua lớp cô dạy để hát cho các bạn nghe.
Lên lớp 10, tôi học trường Nguyễn Thượng Hiền, lúc này học sinh nhiều nơi về đây, người biết tôi, người không. Tôi gọi đó là một dấu lặng trong sự nghiệp ca hát của mình (cười).
Khoảng lớp 11, phong trào của trường sôi động lại, mọi người mới nhận ra nhau, như anh Quốc Hùng (tác giả bài Trống Vắng) cũng học cùng lớp tôi, anh Hải (ban nhạc Tia Chớp) thì đối diện. Tôi bắt đầu nổi tiếng trở lại. Năm lớp 11, tôi còn được được cử đi hát cho Sở giáo dục dịp cuối năm.
- Hình như đó là khoản tiền cát-sê đầu tiên anh nhận được nhờ giọng hát của mình?
Đúng vậy. Lần đó, má tôi có mua cho tôi một bộ đồ trắng để đi hát. Tôi mơ ước có bộ đồ trắng ấy lâu lắm rồi, chỉ nói một lần cũng khá lâu rồi nhưng má nhớ. Má nợ tiền mua hàng của người ta, để mua cho tôi bộ đồ đó.
Sau khi hát xong tôi mang số tiền có được về cho má, để má trả cho người ta. Tôi không nhớ chính xác là 50 đồng hay 50.000 đồng. Nhưng ở năm 1989, đó là số tiền rất lớn.
- Mê hát như vậy tại sao anh không theo đuổi đam mê nghệ thuật lại đi làm thợ cắt tóc?
Có năm tôi theo mẹ rời Sài Gòn về Trà Vinh ở dưới đó để "tránh giông bão". Cuối cùng không được gì, quay về lại Sài Gòn. Bà ngoại nói muốn học nghề gì, bà cho chọn một lần duy nhất thôi, phải suy nghĩ kĩ. Lúc đó vì điều kiện khó khăn, tôi chọn học nghề làm tóc. Em tôi học may.
Tôi học 5 tháng xong ra mở tiệm luôn cùng hai người bạn chứ không làm thợ ngày nào. Làm chủ nhưng lúc đó còn mới nên số tiền kiếm ra cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng tháng.
Kiếm được nhiêu, tôi mang về cho ngoại giữ, cuối tháng mượn lại ngoại tiền để đóng tiền nhà. Cũng không dư giả nhiêu nhưng tôi đã hứa sẽ kiếm trả lại ngoại cho tôi đi học làm tóc và mở tiệm.
Cứ trả từ từ vậy, nhưng cuối cùng ngoại đâu lấy đâu, ngoại cho lại hết. Ngoại thấy tôi 18, 19 tuổi biết chí thú làm ăn, tích cóp vậy nên ngoại tin. Kiếm được tiền nhưng tôi không sa vào rượu chè, bar, đua xe...thú vui của nhiều thanh niên thời điểm ấy.
Không có cha mẹ bên cạnh nhưng tôi sống rất sạch sẽ, ý thức, biết cái nào không nên, cái nào nên. Tôi đi làm vậy để nuôi giấc mơ đi hát. Cứ chỗ nào mở cuộc thi là tôi đăng kí thi.
- Anh từng nói để được cầm micro hát và bước ra sân khấu, anh đã đánh đổi rất nhiều thứ không chỉ mồ hôi nước mắt mà còn là tiếc nuối?
Trong tiếc nuối đó có cả tình yêu của tôi, tình yêu của 2 người nghèo. Tôi phải có những lựa chọn để đi tới. Mặc dù chẳng có lời chia tay nào hết nhưng người đó cũng nhận ra con đường tôi đi cần phải gặp người này, người kia để đạt được ước mơ của mình.
Tôi tiếc cả tuổi trẻ, tiếc vì vào nghề trễ, tiếc định mệnh chọn mình quá trễ. Ngoài 20 tuổi tuổi tôi mới bắt đầu thi hát. Đến năm 28 tuổi, tôi mới bắt đầu được dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp, 31 tuổi mới bắt đầu nổi tiếng…
- Nhưng anh sở hữu một giọng hát rất đặc biệt, không lẫn với ai hết...
Nhưng đó không phải là giọng hát để đi thi. Giọng hát đi thi cần đẹp, véo von, cần độ rền của giọng nhạc chính thống dễ ghi điểm vào lòng giám khảo. Những giọng hát thị trường như tôi thường bị đánh giá thấp.
- Nghĩa là ngày xưa anh cũng bị chê nhiều?
Bị chê nhiều chứ. Tôi bị chê hát mờ, hát tối, hơi ngắn...Nhưng họ chê vậy chứ không góp ý cho tôi, không cho tôi biết điểm mạnh của mình. Có duy nhất một người động viên, nói tôi hát được, đó là anh Hoài Linh.
Năm 1999, tôi gặp anh. Anh Hoài Linh nói về những hạn chế và thế mạnh trong giọng hát của tôi mà không ai có, về màu sắc, lực, độ khàn, anh nói chất gây nghiện trong giọng hát của tôi có nên anh đầu tư cho tôi làm album đầu tiên và thứ 2.
Album đầu tiên của tôi chỉ làm cho đã ước mơ, làm kỷ niệm. Tôi thấy ai cũng có CD, cát-sét hết, tôi ước mơ được thu âm. Tôi mê lắm, thèm cảm giác được vào phòng thu, chụp tai nghe, giống như hình ảnh người ta hay thu âm. Tôi muốn được như vậy.
Lần đầu tiên bước vào phòng thu, tôi lúng túng và hồi hộp lắm. Nhiều năm đi qua, nhiều chuyện tôi nhớ nhớ quên quên nhưng cái cảm giác lần đầu tiên bước vào phòng thu tôi chẳng thể nào quên được.
- Nghệ sĩ trẻ ngày xưa để được đứng trên sân khấu khó hơn bây giờ rất nhiều đúng không anh?
Đúng vậy. Ngày xưa, rất khó để ca sĩ trẻ được đứng trên sân khấu. Quán bar, vũ trường không nhận thử việc. Nhưng bạn bè giới thiệu qua lại hoặc quản lý nghe được giọng đó ở đâu họ sẽ gọi mời tới.
Tôi thì tự đi xin, đi theo các nghệ sĩ bạn bè. Trong đoàn ca nhạc nhẹ Sài Gòn, tôi hay chạy xe theo ca sỹ Vũ Hà, Thuỳ Dương để họ giới thiệu với người biên tập cho tôi hát thử.
Tôi hát chùa, hát miễn phí, hát những chỗ mình tới chơi, khi nào thấy trống thì tôi nhảy lên hát để người ta nghe được giọng hát của mình, mời mình. Ngày xưa hát live hết, không có chuyện hát nhép đâu! Hát nhép là gì đó rất xa lạ và bị dân trong nghề đánh giá thấp.
- Cuộc đời anh có rất nhiều tin đồn, tin đồn nào về anh khiến anh thấy buồn cười nhất?
Quá nhiều, cái nào cũng mắc cười hết. Vì đồn mà. Không nhớ hết nổi. Ngôi nhà tôi ở cũng bị đồn, đi với ai cũng bị đồn, đồn tôi bị xe lửa cán chết,... Tôi thấy nhiều người rất dễ bị dẫn dắt.
- Vậy tin đồn nào khiến anh buồn nhất?
Buồn nhất và ảnh hưởng nhất là câu chuyện họ vu khống tôi ăn chặn từ thiện. Chỉ khi công an, cơ quan chức năng vào cuộc tôi mới được giải oan.
Thời điểm dịch, tôi đóng góp 500 triệu đồng tiền mua vaccine, tôi bán đồ online mua giường bệnh... Khi có vaccine, tôi cũng xếp hàng chờ đợi như bao người bình thường thôi.
Tôi buồn khi những tin đồn bịa đặt lan truyền, những chuyện chưa đâu vào đâu, dư luận đổ tội, thiếu sự bình tâm để quan sát sự việc, kết quả ra sao. Người bình tâm suy xét thì lại im lặng không lên tiếng. Tôi buồn vì những lời đồn vô căn cứ, bậy bạ như vậy.
- Sự việc đang dần đi đến hồi kết, những người trong cuộc cũng đang dần trả giá vì những lời nói, hành động của mình.
Mọi người không thấy được những ảnh hưởng nặng nề khủng khiếp mà tôi và những người liên quan phải chịu. Mọi người không thể nào biết hết được...
- Có những tin đồn anh đính chính, nhưng cũng có những tin đồn ví dụ như đời tư, hình như anh chưa bao giờ lên tiếng. Vì sao vậy?
Tôi thấy nói cũng như không. Với những người đã không muốn hiểu, thì giống như mình đang cố gắng bào chữa, họ cũng sẽ không muốn hiểu. Tôi mặc kệ. Tôi càng nói họ càng tưởng thật.
- Tôi cảm giác những ồn ào vừa qua khiến anh sống khép kín hơn?
Tôi thay đổi nhiều. Tôi nản nhiều thứ và thấy không cần thiết.
- Với những người ngày xưa đã từng chơi xấu anh, từ chối anh, anh có còn ghét họ không? Nếu họ đề nghị giúp đỡ anh có hỗ trợ không?
Nhiều lắm. Tôi thậm chí còn chơi đẹp hơn để họ xấu hổ. Tôi phải sống như thế nào mới sống được đến giờ phút này.
Tôi không phải là người chỉ biết thò tay cầm tiền. Nhiều bầu show ngày xưa từng từ chối tôi khi cần giúp đỡ tôi vẫn sẵn sàng. Vì tôi cũng không để trong lòng. Đó không phải là điều khiến tôi phải ghim để chì chiết hay từ chối họ. Khi họ thiện chí, thiện cảm thì mình được nước làm già làm gì nữa.
Kể cả những người ngày xưa từng nói không bao giờ mời tôi. Có những người ngày xưa nhìn tôi bằng nửa con mắt. Nhưng cuối cùng họ là người lấy ghế cho tôi ngồi! Ghê chưa! Ghê chưa!
Tôi không tiện nêu tên vì không muốn có những điều không vui…. Còn với những người tấn công tôi liên tục, nhất định tôi sẽ có cách trả đũa! Không sớm thì muộn! Tôi là vậy đó! Rất bản năng, rất biết điều, biết sống và dễ tha thứ!