"Điều đáng chú ý là một số quốc gia đang đi ngược lại xu hướng. Vì ích kỷ, họ giữ một tâm lý chiến tranh lạnh, tìm kiếm các 'nhóm nhỏ' và liên minh quân sự khép kín, độc quyền nhằm vào bên thứ ba, gây ra các cuộc chạy đua vũ trang, căng thẳng, chia rẽ và tạo đối đầu, biến châu Á - Thái Bình Dương thành một đấu trường trò chơi của các cường quốc và làm mất ổn định thế giới", ông Song nói trong cuộc họp trực tuyến hôm 29/9.
Đại sứ Trung Quốc khẳng định "các hoạt động này sẽ không nhận được hỗ trợ và sẽ chẳng dẫn đến đâu".
Tuyên bố này được ông Song đưa ra vài ngày sau khi lãnh đạo các nước thuộc nhóm Bộ tứ Kim cương (QUAD) tập trung về Washington để tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh QUAD. (Ảnh: AP)
Sự kiện trên đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền Biden nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á khi phải đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
“Chúng tôi ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”, các nhà lãnh đạo QUAD nhấn mạnh trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm.
Trung Quốc từng nhiều lần lên tiếng quan ngại về "bè phái" mà họ coi là một phần trong chiến lược của Washington nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc trở nên xấu đi từ tháng 6/2020 sau khi quân đội 2 nước đụng độ ở biên giới. Cả 2 nước đã ngồi xuống đàm phán nhưng rất ít tiến bộ đạt được và tình trạng bất ổn vẫn tiếp tục.
Trong sự kiện mới đây, ông Sun nói rằng mặc dù việc tồn tại những khác biệt giữa Bắc Kinh và New Delhi là bình thường, 2 bên nên quản lý các tranh chấp và cùng nhau hướng tới sự ổn định.
“Chúng ta nên đặt các vấn đề biên giới vào đúng vị trí trong quan hệ song phương và tìm kiếm một giải pháp công bằng, hợp lý", Đại sứ Trung Quốc cho hay, kêu gọi nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch, an ninh năng lượng và thương mại.
Ấn Độ đã cấm hơn 200 ứng dụng di động của Trung Quốc vì lý do an ninh và tìm cách hạn chế đầu tư của Bắc Kinh vào các công ty và lĩnh vực nhạy cảm của nước này.
Tuy nhiên, ông Sun cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ có thể được hưởng lợi nếu 2 bên hợp tác nhiều hơn.
“Chúng ta nên cung cấp một môi trường kinh doanh bình đẳng và công bằng cho các công ty của cả 2 quốc gia đầu tư và hoạt động thay vì áp đặt các biện pháp phân biệt đối xử và hạn chế đối với họ", quan chức ngoại giao Trung Quốc cho hay.