Ngày 13/7, một tàu chiến Đài Loan (Trung Quốc) đã ra khơi và thực hiện cuộc tuần tra trái phép quanh đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mà chính quyền này đang chiếm đóng phi pháp.
Trước khi tàu chiến khởi hành, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã đến thăm và phát biểu trước các thủy thủ ở đây. Bà Thái ngang nhiên chỉ đạo lực lượng này "bảo vệ lãnh thổ của Đài Loan" ở Biển Đông cùng cái gọi là "chủ quyền Đài Loan" ở quần đảo Trường Sa.
|
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn thăm tàu chiến đã tuần tra trái phép quanh đảo Ba Bình của Việt Nam. Ảnh: SCMP |
Hành động này của Đài Loan diễn ra sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7 phán quyết đảo Ba Bình thực chất chỉ là "bãi đá" theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nên nó không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh.
Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục và Đài Loan đều ngang nhiên tuyên bố không công nhận phán quyết của tòa án. "Phán quyết về vụ kiện Biển Đông, đặc biệt là kết luận về đảo Ba Bình, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của chúng ta ở các đảo tại Biển Đông và vùng nước xung quanh", bà Thái Anh Văn nói.
Nữ lãnh đạo Đài Loan khẳng định quan điểm của chính quyền này là "ủng hộ giải quyết các tranh chấp hàng hải và lãnh thổ thông qua đàm phán hòa bình. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các quốc gia khác thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông, trên cơ sở bình đẳng".
|
Vị trí đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồ họa: Financial Times |
Ba Bình là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị lực lượng Đài Loan chiếm đóng phi pháp từ năm 1946.
Đài Loan hiện có một cơ sở y tế với 10 giường trên Ba Bình, cùng một ngọn hải đăng và một trạm cứu trợ phục vụ hoạt động đánh bắt.
Từ đầu năm đến nay, Đài Loan từng liên tiếp thực hiện các chuyến thăm trái phép đến đảo Ba Bình.
Ngày 15/4, chính quyền đảo Đài Loan tổ chức chuyến đi trái phép dành cho các học giả quốc tế đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tuyên bố chuyến đi "nhằm khẳng định đảo Ba Bình là một hòn đảo, chứ không phải bãi đá".
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7 ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý.
Một trong những nội dung đầu tiên PCA đưa ra là Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông. “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn”, phán quyết của toà cho hay.
Toà khẳng định dù ngư dân Trung Quốc từng đến một số đảo trong quá khứ, nhưng trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ "thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng nước và nguồn tài nguyên xung quanh".