Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại học Đông Đô 'vượt mặt' Bộ GD&ĐT đào tạo chui văn bằng 2

Không chỉ ngành Ngôn ngữ Anh mà tất cả các ngành trường Đại học Đông Đô thông báo tuyển sinh văn bằng 2 đều chưa được cấp phép.

Ngày 17/8, Bộ giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) thông tin về việc cấp phép cho Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 và báo cáo của trường lên Bộ GD&ĐT về việc tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng văn bằng cấp... theo quy định và thông tin về việc đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định trong Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo để cấp văn bằng tốt nghiệp đại học thứ hai (gọi tắt là văn bằng 2 - VB2), việc đào tạo VB2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD&ĐT ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp. Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD&ĐT về việc cho phép đào tạo VB2.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo VB2 của Đại học Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo VB2.

 Đại học Đông Đô.

Từ năm 2016 đến năm 2018, trường Đại học Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ GDĐH của trường không có thông tin về việc đào tạo VB2.

Do trường Đại học Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo VB2, nên Bộ GD&ĐT cũng không yêu cầu trường báo cáo (theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT).

Giải thích việc Đại học Đông Đô ngang nhiên tuyển sinh và cấp VB2, Bộ GD&ĐT cho biết, tại Khoản 2, Điều 38 Luật GDĐH 2012 đã quy định cơ sở giáo dục đại học in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học. Như vậy, theo Luật này, Bộ không quản lý phôi bằng ĐH mà giao trách nhiệm cho các trường ĐH tự quản lý và tổ chức in phôi bằng ĐH của mình. Chỉ một số cơ sở giáo dục ĐH do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng (về cơ sở vật chất, về nhân sự quản lý việc in phôi văn bằng, chứng chỉ (VBCC), số lượng phôi VBCC ít…) nên đề nghị được Văn phòng Bộ cung cấp phôi VBCC. Như vậy, Văn phòng Bộ là đơn vị cung cấp phôi VBCC như các cơ sở in phôi VBCC khác.

Theo tìm hiểu, trong năm 2017, trường Đại học Đông Đô công khai tuyển sinh đến 17 ngành đào tạo VB2 gồm: công nghệ kỹ thuật Môi trường; Công nghệ Sinh học; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử truyền thông; kỹ thuật xây dựng; Kiến trúc; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Quản trị kinh doanh; Tài chính Ngân hàng; Quan hệ quốc tế; Luật kinh tế; Việt Nam học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung; Thông tin học; Kế toán; Quản lý nhà nước. Vào năm 2018, trường này tuyển sinh VB2 thêm ngành Ngôn ngữ Anh.

Trước khi phát hiện những sai phạm tại trường Đông Đô, vào năm 2011, thực hiện Nghị quyết 50/2010/QH12 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra tại đại học này.

Kết quả kiểm tra cho thấy, trường chưa có mặt bằng nên chưa xây dựng được cơ sở vật chất như cam kết; tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao. Do đó, Bộ đã có quyết định tạm dừng tuyển sinh năm 2012 đối với đại học này.

Năm 2018, Bộ đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của trường Đại học Đông Đô (Quyết định 80/QĐ-TTr ngày 19/9/2018). Tuy nhiên, trường Đại học Đông Đô đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra, lý do trường đưa ra là thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong.

Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả trong việc quản lý đào tạo VB2, Bộ sẽ tăng cường kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm.

Bộ cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (sinh viên, giảng viên, sinh viên trúng tuyển, sinh viên nhập học, sinh viên tốt nghiệp, chuyên ngành đào tạo…).

Đây sẽ là công cụ để kiểm tra rà soát, quản lý về đào tạo đại học. Bên cạnh đó, Bộ đang dự thảo văn bản thay thế để tăng quyền tự chủ cho các trường, đồng thời, có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn với công tác đào tạo đại học nói chung và đào tạo văn bằng 2 nói riêng.

Hạ Vũ

Tin mới