Vũ Hán gỡ phong tỏa sau 76 ngày
Kể từ nửa đêm 8/4, Trung Quốc chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 76 ngày với Vũ Hán, một ngày sau khi thành phố này lần đầu tiên báo cáo không còn ca thiệt mạng nào do virus SARS-CoV-2.
Hiện tại, người dân Vũ Hán được phép rời khỏi nhà. Tuy nhiên chính quyền vẫn khuyến cáo mọi người tránh rời địa bàn sinh sống, cũng như di chuyển khỏi Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc trừ trường hợp cần thiết.
Người dân qua lại ở ga Hán Khẩu (Vũ Hán) sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. (Ảnh: Galvnews)
Hình ảnh đăng tải trên truyền thông xã hội ghi lại cảnh các phương tiện giao thông đi lại trên các con phố lớn cho thấy, Vũ Hán dường như đang dần trở lại sau 10 tuần phong tỏa nhằm ngăn chặn đà lây lan của Covid-19 từ hôm 23/1.
Với với việc được dỡ bỏ "lệnh phong thành", toàn bộ hệ thống sân bay, đường sắt, đường thủy, cao tốc và xe khách ở Vũ Hán sẽ nối lại hoạt động.
Theo AFP, từ sau 0h sáng 8/4, hàng nghìn người đã đổ tới các ga tàu và cao tốc để rời Vũ Hán.
Trước đó 1 ngày hôm 7/4, Trung Quốc đại lục lần đầu tiên không ghi nhận ca thiệt mạng nào vì Covid-19 trong ngày.
Hơn 10.000 người chết ở Pháp
Hôm 7/4, Pháp trở thành quốc gia thứ 4 ghi nhận hơn 10.000 người thiệt mạng vì Covid-19 (sau Italy, Tây Ban Nha và Mỹ).
Tính tới hết 7/4, nước này ghi nhận 10.328 người thiệt mạng vì Covid-19, với 1.417 ca chết người trong 24 giờ qua. Với 109.069 ca bệnh, Pháp hiện là ổ dịch lớn 4 thế giới và lớn thứ 3 ở châu Âu.
Một bệnh nhân điều trị trong phòng hồi sức tích cực tại bệnh viện ở Pháp. (Ảnh: Reuters)
Trong cuộc họp báo hôm 7/4, Jerome Salomon - người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Pháp cho biết, đại dịch vẫn đang lan rộng tại quốc gia này.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là số ca bệnh nặng điệu trị tại phòng hồi sức tích cực chỉ tăng 0,8% trong 24 giờ. Đây là ngày thứ 8 giảm liên tiếp.
Pháp đang trong tuần thứ 4 của lệnh phong tỏa. Tại Paris, giới chức ở thành phố này vẫn đang thắt chặt các biện pháp dịch trong thành phố, các hoạt động thể thao ngoài trời bị cấm trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng tới 19h tối.
Các quan chức y tế của Pháp khẳng định hiện chưa phải lúc tính đến việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại vì nước này vẫn trong giai đoạn tăng cao của dịch.
Tổng thống Trump dọa cắt ngân sách dành cho WHO
Tổng thống Trump hôm 7/4 dọa cắt nguồn ngân sách cho WHO liên quan tới phản ứng của tổ chức này trước dịch Covid-19.
"Chúng tôi sẽ xem xét việc kết thúc tài trợ", ông Trump nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
Trong dòng tweet được đăng tải sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định:
"Vì lý do nào đó, WHO được tài trợ phần lớn từ nước Mỹ, thế nhưng lại hướng về Trung Quốc. Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này. Thật may mắn là tôi đã bác bỏ khuyến nghị của họ về việc giữ biên giới mở với Trung Quốc trước đó. Tại sao họ lại đưa ra cho chúng ta một khuyến cáo sai lầm như vậy?", ông viết.
Trước đó trong một bài xã luận đăng trên Tạp chí Wall Street Journal cho rằng, WHO đi theo lập luận của Bắc Kinh, kéo dài thời gian tuyên bố đại dịch.
Nhiều quan chức Mỹ thời gian qua cũng lên tiếng kêu gọi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức, với cáo buộc ông này chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc.
WHO công bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu hôm 11/3, hơn 2 tháng sau khi virus corona chủng mới bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc.