Bộ trưởng Y tế Brazil từ chức
Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich hôm 15/5 nộp đơn từ chức chưa đầy 1 tháng lên tiếp quản vị trí người tiền nhiệm để lại trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Mỹ Latinh tiếp tục tăng mạnh.
Ông Teich thời gian qua được cho là vấp phải nhiều bất đồng với Tổng thống Jair Bolsonaro trong cách đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện tại.
Bộ trưởng Y tế Brazil phản đối việc sử dụng Hydroxychloroquine điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, điều đang được ông Bolsonaro thúc đẩy. Cả 2 cũng không có tiếng nói chung trong vấn đề mở cửa nền kinh tế.
Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich. (Ành: JTA)
Trong thông báo từ chức, ông Teich vẫn gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Bolsonaro đã trao cho ông cơ hội ngồi vào vị trí Bộ trưởng Y tế.
"Cuộc sống luôn có lựa chọn và hôm nay tôi lựa chọn ra đi. Tôi đã nỗ lực hết sức trên cương vị của mình. Tuy nhiên là điều không dễ dàng để dẫn dắt Bộ Y tế trong khoảng thời gian khó khăn của đại dịch như thế này", ông Teich nói.
Người tiền nhiệm của ông Teich, cựu Bộ trưởng Nelson Mandetta bị Tổng thống Bolsonaro sa thải sau những bất đồng trong cách xử lý đại dịch.
Với 218.23 ca mắc COVID-19 và 13.933 người thiệt mạng, Brazil hiện là vùng dịch lớn thứ 6 trên thế giới. Hệ thống y tế tại nhiều thành phố ở quốc gia Mỹ Latinh đang rơi vào tình trạng quá tải khi phải tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân.
Thành phố Trung Quốc cách ly hàng nghìn người
Thành phố Thẩm Dương ở phía bắc Trung Quốc cách ly 7.500 người sau khi phát hiện 3 ca mắc COVID-19 trong 5 ngày qua.
Thẩm Dương báo cáo ca nhiễm "nội địa" mới đầu tiên sau 89 ngày vào 11/5 và 2 ca nhiễm "nội địa" mới vào 14/5.
Giới chức thành phố 7,5 triệu dân hôm 14/5 xác nhận các ca nhiễm mới có liên quan tới một cụm dịch ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm.
7.500 người bị cách ly là những người trở về từ Cát Lâm từ ngày 22/4 và các trường hợp tiếp xúc với 3 trường hợp nhiễm mới. Họ được yêu cầu cách ly 21 ngày và thực hiện 3 xét nghiệm axit nucleic.
Với các diễn biến mới, Thẩm Dương buộc phải hoãn lại thời gian mở cửa trở lại trường học, vốn được lên kế hoạch vào ngày 15/5.
Thẩm Dương phải cách ly 7.500 sau khi ghi nhận 3 ca nhiễm mới. (Ảnh: Reuters)
Mặc dù khẳng định đã khống chế được dịch từ vài tháng trước, nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2 khi nhiều ổ dịch xuất hiện ở các tỉnh phía đông bắc và ở thành phố Vũ Hán.
Vũ Hán được cho là đang kế hoạch để xét nghiệm cho toàn bộ 11 triệu dân của thành phố này trong 10 ngày.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 14/5, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định cần phải đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tại Cát Lâm và Vũ Hán.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 13/5, Phó Thị trưởng Cát Lâm Cái Đông Bình cho biết tình hình dịch COVID-19 hiện tại khá phức tạp và nghiêm trọng và có nguy cơ rất lớn là virus sẽ lan rộng hơn nữa.