24 giờ qua, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 19 ca mắc Covid-19. Trong đó, 8 ca trong khu phong tỏa, 5 ca trong khu cách ly, 4 ca cách ly tại nhà hoặc tạm thời cách ly tại nhà, 2 ca đại diện hộ gia đình.
Ngày 11/9, cả thành phố có 20 xã phường đã qua 14 ngày không có ca mắc trong cộng đồng, không còn khu phong tỏa. Mặc dù mưa to, nhưng cán bộ y tế vẫn đến nhà dân lấy mẫu xét nghiệm. Một số điểm tiêm, mặc cho mưa lớn người dân vẫn đội mưa đi tiêm ngừa COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo của thành phố.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nêu rõ, ảnh hưởng bão số 5, trên địa bàn thành phố sẽ có mưa lớn, các địa phương phải có cảnh báo trên các tuyến giao thông trũng thấp để người dân di chuyển an toàn. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng yêu cầu trực ban phòng chống bão nghiêm túc. Các địa phương cân nhắc kỹ khi sơ tán dân, chỉ nên sơ tán những hộ dân nơi, không sơ tán một cách ồ ạt như kịch bản ban đầu, bởi khi sơ tán dân tập trung phải đảm bảo phòng chống dịch.
Theo thông báo mới nhất, bão sẽ đổ bộ vào bờ khoảng cấp 7, cấp 8 nhưng sẽ có mưa lớn kèm theo vì vậy cần có phương án phù hợp. Các ngành, địa phương có phương án dọn dẹp khắc phục môi trường sau bão.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lưu ý, tùy tình hình mưa bão, có thể điều chỉnh lấy mẫu xét nghiệm cho phù hợp, khi mưa to không nên lấy mẫu để tránh sự phiền phức cho người dân. Các chốt kiểm soát cửa ngõ tập trung công tác kiểm soát người ra vào thành phố phải hết sức chặt chẽ, bởi xe cộ vẫn lưu thông bình thường. Đối với ngư dân vào tránh bão ở âu thuyền Thọ Quang nếu sơ tán phải lấy mẫu xét nghiệm không để người dương tính với SARS-COV-2 lọt vào thành phố.
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 5 và chống dịch COVID-19 chiều 11/9, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thống nhất mở lại một số hoạt động.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giao Văn phòng UBND thành phố xây dựng phương án nới lỏng các hoạt động. Tinh thần là tăng số lượng công nhân làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ. UBND thành phố Đà Nẵng cho phép mở lại cửa hàng sách giáo khoa, văn phòng phẩm phục vụ năm học mới, cho phép mở lại các tiệm sửa xe, sửa chữa điện nước.
Sở Giao thông- Vận tải tăng số lượng xe vận tải vận chuyển xe hàng cung ứng đến các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa để phục vụ người dân. Sở Công thương xây dựng phương án mở cửa trở lại chợ đầu mối Hòa Cường và các chợ trên địa bàn thành phố. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng phương án sớm mở lại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang nhưng tinh thần là chỉ phục vụ người Đà Nẵng và chỉ phục vụ bán sỉ, không để người bán lẻ ra vào nhiều khó kiểm soát dịch bệnh.
“Chúng ta bám sát văn bản 2905 và 3 vùng: xanh, vàng và đỏ. Trong mỗi vùng như vậy chúng ta sẽ có một phương án theo tinh thần mở rộng, nới lỏng các hoạt động.
Ví dụ như vùng xanh thì có thể cho bán mang về hoặc tăng số lượng hoạt động ở các đơn vị sản xuất kinh doanh; cho phép mở các tiệm sửa xe, điện nước, hiệu sách giáo khoa, văn phòng phẩm và các tiệm sửa xe, thống nhất hôm nay luôn để ngày mai, ngày mốt chúng ta triển khai”, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết.