Dự kiến, ngày 22/11, học sinh khối lớp 12 ở thành phố Đà Nẵng trở lại trường học tập sau một thời gian dài học trực tuyến. Sau đó, ngày 29/11, học sinh lớp 10 và lớp 11 sẽ tới trường học tiếp. Việc học trực tuyến trong thời gian dài khiến việc tiếp thu kiến thức của các em không đảm bảo.
Trong khi đó, hầu hết học sinh trong cả nước đã học trực tiếp từ lâu. Đây là thiệt thòi lớn của học sinh Đà Nẵng so với các địa phương khác. Nhất là với học sinh lớp 12 chuẩn bị tốt nghiệp THPT, thi chung đề với học sinh cả nước. Phụ huynh mong muốn ngành giáo dục bổ sung kiến thức cho học sinh khi các em đi học trở lại.
Học sinh lớp 12 tại Đà Nẵng sẽ trở lại trường học vào đầu tuần sau.
Biết tin học sinh lớp 12 sẽ được trở lại trường học vào đầu tuần sau, em Lê Ngọc Nhi, lớp 12 ở quận Hải Châu rất vui mừng. Theo Nhi, dù học online là giải pháp tốt để phòng chống dịch COVID-19 nhưng đối với học sinh cuối cấp thì các em rất lo lắng vì thấy không hiệu quả như học trực tiếp. Lê Ngọc Nhi mong sớm được đến trường để bổ túc kiến thức.
“Em thấy học sinh của các tỉnh khác đều được đến trường trong khi chúng em ở đây vẫn chưa được đi học nên cũng có phần lo lắng. Vì vậy, mong muốn của em là nếu ở vùng an toàn thì có thể quay lại trường học”- Lê Ngọc Nhi chia sẻ.
Khi tổ chức dạy học trực tuyến, việc tiếp thu kiến thức sẽ chênh lệch do nhiều nguyên nhân như điều kiện đường truyền, thiết bị học, môi trường học tập hay ý thức, khả năng tự học của học sinh. Vì vậy, các giáo viên trường THPT Hoàng Hoa Thám, quận Sơn Trà đang lên phương án bổ sung kiến thức cho học sinh khi quay trở lại trường. Nhà trường cử giáo viên trẻ bổ trợ kiến thức cho những em học sinh không thể học trực tiếp. Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, đối với học sinh tới trường học trực tiếp sẽ được thi kiểm tra để phân loại, bổ sung kiến thức.
“Khi học sinh tới trường, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tiếp luôn. Qua đó, sẽ xem được mức độ tiếp thu kiến thức của các em. Đồng thời, tổng hợp ý kiến của các giáo viên bộ môn sẽ lên phương án bổ trợ kiến thức cho các em, luyện tập, ôn tập thêm. Chứ còn dạy thêm thì rất khó vì chúng tôi còn phải triển khai chương trình dạy bài mới cho chạy đều. Ngoài ra, những em không được học trực tiếp vẫn phải học trực tuyến thì chúng tôi còn phải lo việc đó nữa”- thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy cho biết.
Việc học online đối với học sinh lớp lớn đã khó, học sinh lớp nhỏ lại càng khó khăn hơn. Hiện nay, đối với học sinh cấp tiểu học, việc học trực tuyến là không mấy hiệu quả. Giáo viên mong muốn được đón các em trở lại trường để truyền đạt kiến thức. Thời gian vừa qua, việc học trực tuyến của trường Tiểu học Núi Thành, quận Hải Châu chỉ áp dụng dạy kiến thức mức độ nhận biết và thông hiểu, câu hỏi vận dụng thấp, không có câu hỏi vận dụng cao. Trường đã có kế hoạch phân loại học lực từng học sinh để giáo viên soạn giáo án, thiết kế bài dạy phù hợp.
Khi tới trường học trực tiếp các học sinh sẽ được bổ sung kiến thức.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành cho biết: “Chúng tôi đã đón đầu cho việc phân hóa đối tượng. Vì dựa trên tuần học trực tuyến, nhiều học sinh sẽ tiếp thu kiến thức rất tốt, nhưng sẽ có nhiều học sinh không tiếp thu được, những ngày đầu tiên đó, các cô sẽ ôn tập toàn bộ kiến thức cho học sinh; phân hóa đối tượng em nào tiếp thu tốt và em nào chưa tốt”.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương rà soát điều kiện bảo đảm an toàn, sớm đưa học sinh tới trường học trực tiếp với tinh thần “chủ động, linh hoạt thích ứng”.
Nhằm chuẩn bị đón học sinh trở lại trường vào ngày 22/11 và 29/11, các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng nhiều phương án dạy học trong bối cảnh thích ứng an toàn. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu lãnh đạo các trường học, khi học sinh trở lại trường, giáo viên ở từng lớp có trách nhiệm rà soát việc tiếp thu kiến thức của học sinh để có biện pháp bổ sung kiến thức phù hợp.
“Chúng tôi đã dự báo được tình hình rằng dịch đầu năm học sẽ chưa ổn định và đã chỉ đạo học trực tuyến rất kỹ. Sắp tới, khi đi học trực tiếp, chúng tôi đã có một văn bản hướng dẫn chuyên môn đối với từng bậc học. Trong đó, chú ý củng cố ôn tập cho học sinh những phần nội dung đã học từ đầu học trực tuyến đến nay sau đó sẽ tiếp tục dạy bài học mới. Theo đó, sẽ kiểm tra, đánh giá hợp lý trên cơ sở củng cố kiến thức ôn tập của học sinh để làm bài kiểm tra thường xuyên theo từng chương trình của từng môn học”- Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết.