Chưa đầy 10 ngày sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tới thăm ông ở New York. Giờ nhìn lại, ông Abe nói bước đi sớm đó đã thành công.
“Ông đắc cử nhờ chống lại hệ thống”, cựu thủ tướng Nhật nói với ông Trump tại cuộc gặp ngày 17/11/2016. “Tôi cũng từng ở phe đối lập, và cũng như ông, tôi chống lại đảng cầm quyền rồi chiến thắng”.
Câu nói đó được ông Trump đón nhận. “Thế thì tôi với ông có điểm chung rồi”, ông Trump nói.
Cuộc gặp đó, khởi đầu cho quan hệ thân tình giữa hai nhà lãnh đạo, được ông Abe kể lại trong cuộc phỏng vấn 80 phút với Nikkei ngày 24/9 tại văn phòng của ông.
Cựu thủ tướng Shinzo Abe trả lời Nikkei tại văn phòng ở Tokyo ngày 24/9. (Ảnh: Nikkei)
Biểu đồ, hình họa cho cuộc gặp đầu tiên
Khi tranh cử, ông Trump đã nói phải tính toán lại các liên minh, thậm chí bóng gió về việc rút quân Mỹ khỏi châu Á. Tình hình trở nên nghiêm trọng đối với chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Ông Abe nói ông Trump “là mẫu người khác so với các tổng thống trước”, và vì vậy “gặp ông ta trước ngày nhậm chức là tốt nhất”.
Nhìn lại nhiệm kỳ thủ tướng dài 7 năm 8 tháng, ông Abe nói cuộc gặp với ông Trump lúc đó, nhằm thảo luận sự trỗi dậy của Trung Quốc, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Nhật - Mỹ, là thời khắc quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông.
Cựu thủ tướng Nhật lo rằng nếu hai bên không thống nhất quan điểm về tầm quan trọng của liên minh và của quan hệ thương mại song phương, các nỗ lực ngoại giao của Tokyo sẽ không thành công. Thủ tướng Nhật dùng biểu đồ, hình họa để giải thích về tình hình ở Đông Á.
Cuộc gặp đó kéo dài một tiếng rưỡi, gấp đôi dự kiến.
Ông Trump sốc với tốc độ gia tăng quân sự của Trung Quốc
“Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh quân sự khi nào?”, ông Trump hỏi thêm về tốc độ gia tăng quân sự của Bắc Kinh.
Thủ tướng Nhật trả lời điều này đã bắt đầu gần 30 năm trước, và chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng gần 40 lần trong thời gian đó - mức độ gia tăng mà “không nước nào trên thế giới sánh ngang”. Ông Trump tỏ ra khá sốc về câu trả lời này.
Ông Abe cũng nói chi tiết về số tàu ngầm của Trung Quốc, và nói mục tiêu của chúng là Hạm đội 7 của Mỹ, hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Cho rằng đây là vấn đề không chỉ với Tokyo, mà còn với Washington, ông Abe khuyên ông Trump nên “duy trì sự hiện diện của Mỹ” trong khu vực.
Thủ tướng Nhật xác nhận rằng “được hẹn chơi golf là một mục tiêu của tôi” trong cuộc gặp đó. Tổng cộng, hai lãnh đạo chơi golf 5 lần và có 14 cuộc gặp chính thức.
Ông Trump “thường nói với tôi rằng Triều Tiên là vấn đề trong ngắn hạn, còn Trung Quốc là vấn đề lâu dài”, ông Abe nói thêm. Thủ tướng Nhật cho rằng phần giải thích của mình tại buổi gặp đầu đã tạo ấn tượng với tổng thống Mỹ.
Dù thân tình với ông Abe, ông Trump vẫn không quên lời hứa tranh cử của mình là xử lý những gì ông cho là mất cân đối trong quan hệ quốc tế. Ông luôn phàn nàn trong các lần gặp ông Abe là liên minh Nhật - Mỹ “bất công” và một phía, đồng thời hối thúc Tokyo gánh thêm chi phí cho lính Mỹ đóng ở Nhật.
Mỗi lần như vậy, ông Abe đều chỉ ra rằng chính phủ của ông đã thúc đẩy các luật diễn giải lại Hiến pháp, cho phép Nhật Bản không chỉ phòng vệ cho mình, mà còn “phòng vệ chung” cho các đồng minh. Đổi lại, ông Abe bị sụt giảm hơn 10% về tỷ lệ ủng hộ, điều mà ông Trump khen ngợi là rất dũng cảm.
Thủ tướng Nhật cũng luôn nói Tokyo trả hơn 70% các chi phí không phải lương cho lính Mỹ đóng ở nước này, bao gồm nhà ở, điện nước.
Khi ông Abe giải thích làm vậy sẽ tiết kiệm hơn so với để lực lượng này đóng ở Mỹ, ông Trump nói như vậy khá dễ hiểu. “Ông đúng là một thiên tài!”, ông Trump nói với ông Abe.
Ông Abe gặp ông Trump ở New York ngày 17/11/2016. (Ảnh: Reuters)
Đối ngoại với Nga, Triều Tiên, Hàn Quốc
Ông Abe cũng cho ông Trump lời khuyên về nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu vào tháng 6/2018. Ông Abe khuyên nên làm ở Singapore, thay vì Seoul, cảnh báo rằng “tổ chức ở Bán đảo Triều Tiên sẽ cho phép Triều Tiên dẫn nhịp cuộc gặp”. Ông Trump đồng ý.
Nhưng dù ông Abe thành công trong việc xây dựng liên minh chặt chẽ với Mỹ, ông vẫn còn một số vấn đề chưa giải quyết được khi từ chức vào tháng trước.
Điển hình là đàm phán với Nga về quần đảo Kuril tranh chấp, vấn đề từ lâu đã ngăn hai bên ký hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II. “Có nhận thức chung giữa hai bên là chúng tôi đang tiến gần tới các cuộc đàm phán để hoàn tất” hiệp ước, ông Abe nói.
Khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 12/2016, ông Abe cảm thấy ông Putin đang muốn tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp này một cách tích cực. Giai đoạn dẫn đến cuộc gặp tháng 11/2018 của hai ông tại Singapore là lúc hai nước tiến “gần nhất” tới giải quyết được vấn đề.
Cuối cùng, không có hiệp ước nào được ký. Ông Abe nêu ra các nguyên nhân ngoại cảnh, như căng thẳng lên cao giữa Washington và Moscow, sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Về Triều Tiên, ông Abe nói đã có dấu hiệu về “những chuyển động” trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Nhưng hai lãnh đạo vẫn chưa thể gặp, và ông Abe không thể khép lại vấn đề người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc - một trong những ưu tiên của ông Abe về đối ngoại.
Vấn đề này cần “quyết định ở cấp cao, vì vậy khá khó khăn” để có tiến triển nếu không có hội nghị thượng đỉnh, ông Abe nói.
Ông Abe rời cương vị mà không cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, vốn đã xuống mức thấp nhất sau Thế chiến II, do các rào cản thương mại và vấn đề đền bù cho người Hàn Quốc bị ép làm việc cho công ty Nhật.
Việc giải quyết các vấn đề trên được giao lại cho Yoshihide Suga, Thủ tướng kế nhiệm, từng là cố vấn thân cận của ông Abe.
Ông Abe tuyên bố từ chức vào tháng 8, sau khi chứng bệnh đại tràng mạn tính tái phát. Ông vẫn giữ cương vị là nghị sĩ trong Hạ viện Nhật Bản.