Cuộc đàm phán trực tiếp hôm 29/3 ở Thổ Nhĩ Kỳ giữa Nga và Ukraine dường như là hiệu quả nhất từ trước đến nay. Ukraine được cho là đã lần đầu tiên "đưa ra một đề xuất thỏa thuận bằng văn bản" liên quan đến tình trạng trung lập của nước này, cũng như những đảm bảo an ninh khác. Nga trong khi đó tuyên bố và thực hiện rút bớt quân khỏi các khu vực quanh thủ đô Kiev - một động thái mà Moskva cho biết nhằm thể hiện thiện chí.
Thời điểm cuộc chiến kết thúc tưởng như đến rất gần. Nhưng sau đó, đàm phán rơi vào bế tắc.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu mở đầu đối thoại Nga - Ukraine. (Ảnh: Murat Cetin Muhurdar/Turkish Presidential Press Service)
Kiev cáo buộc Moskva gây ra vụ sát hại dân thường ở Bucha, châm ngòi cho căng thẳng mới giữa hai bên. Đồng thời, các nước phương Tây áp đặt thêm một loạt các biện pháp trừng phạt mới, nặng hơn nhằm vào Nga. Chính quyền Moskva trong khi bác bỏ các cáo buộc, nói đàm phán Nga-Ukraine có thể đi vào “ngõ cụt” và tố Kiev cũng như các chính phủ phương Tây cố ý kéo dài tiến trình hòa đàm.
Cánh cửa ngoại giao thu hẹp
Cả Nga, Ukraine đều bày tỏ lo ngại các cuộc đàm phán có thể đang không đi đến đâu. Trong khi Nga tố Ukraine liên tục thay đổi quan điểm, không muốn đẩy nhanh đàm phán, thì Kiev cho rằng Moskva muốn triển khai vũ khí hạt nhân và tăng cường vũ lực trên chiến trường.
Trong khi các bên chưa tìm được tiếng nói chung, Nga tuyên bố bắt đầu giai đoạn hai của chiến dịch quân sự, tập trung vào khu vực miền Đông, nơi có hai nước cộng hòa tự xưng mà Moskva đã công nhận. Những diễn biến từ giờ được cho là có khả năng tạo ra “bước ngoặt” về việc cuộc chiến có thể kết thúc hay sẽ tiếp tục kéo dài.
Một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây nhận định cơ hội cho giải pháp ngoại giao trong khủng hoảng Nga – Ukraine trong tương lai gần là rất nhỏ.
Hôm 20/4, người phát ngôn điện Kremlin cho biết nước này đã gửi dự thảo thỏa thuận cho Ukraine với các điều khoản cụ thể. Ông Dmitry Peskov nói, giờ đây "bóng ở trong sân Kiev" và Nga đang "chờ phản hồi".
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov.
Khi được hỏi về thời hạn để Ukraine trả lời, ông Peskov nói quyền định đoạt giờ nằm trong tay Kiev. Trong khi đó Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết nước này chưa nhận được bất cứ văn bản nào của Nga liên quan đến các cuộc đàm phán hòa bình.
Nga, Ukraine thực sự muốn gì?
Từ đầu, Nga tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự vì yêu cầu của các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass, Ukraine, với mục tiêu “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine. Moskva cũng cực lực phản đối việc nước hàng xóm gia nhập NATO – điều có thể tạo điều kiện cho phương Tây đưa quân đến “sát sườn” Nga và trở thành mối đe dọa an ninh với nước này.
Chính quyền Kiev trong khi đó chỉ trích cuộc tấn công, liên tục khẳng định sẽ không nhượng bộ với các vùng lãnh thổ phía Đông, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế.
Vào thời điểm không khí các cuộc đàm phán có vẻ tích cực nhất, hai bên sẵn sàng thảo luận về việc Ukraine theo quy chế trung lập. Điều này có thể đồng nghĩa với việc Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, đồng thời không cho phép NATO triển khai quân đội và vũ khí trên lãnh thổ Ukraine. Đổi lại, Ukraine có thể nhận được một số đảm bảo an ninh, trong đó ngăn một “chiến dịch quân sự" khác xảy ra.
Tuy nhiên, trung lập theo kiểu Nga hay kiểu Ukraine lại là một câu chuyện khác. Theo các chuyên gia, mục tiêu “phi quân sự hóa” có thể được Nga diễn giải theo hướng đồng nghĩa với một sự lệ thuộc hoàn toàn của Kiev vào Moskva, điều Ukraine sẽ muốn từ chối triệt để.
Một đoàn xe bọc thép của Nga di chuyển dọc theo đường cao tốc ở Crimea vào ngày 18/1. (Ảnh: AP)
Một vấn đề khác hai bên khó thỏa thuận là vấn đề Crimea. Tổng thống Ukraine Zelensky hồi đầu tháng 4 nói rằng tình trạng của Donbass và Crimea không nên gắn liền với quá trình đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine, họ muốn có giải pháp, nhưng “không thể nhất trí về tất cả vấn đề cùng lúc”.
Dù các ưu tiên ban đầu như thế nào, mục tiêu của các bên để đi đến thỏa thuận gần đây cũng dường như đã có sự dịch chuyển.
Theo các chuyên gia, Moskva không còn nhắc quá nhiều tới khả năng Ukraine gia nhập NATO hay Kiev để nước ngoài triển khai căn cứ quân sự hoặc hệ thống vũ khí, mà tập trung vào tình trạng phi hạt nhân và trung lập của Ukraine.
Những mục tiêu hiện tại của Nga ở Ukraine được cho là kiểm soát thành phố Mariupol, mở rộng khu vực kiểm soát của nước cộng hòa tự xưng ở Donbass tới những giới hạn biên giới hành chính của họ, duy trì hiện diện quân sự lâu dài ở Kherson để đảm bảo có đủ nguồn cung nước ngọt cho Crimea, bảo vệ cây cầu nối các khu vực lãnh thổ do lực lượng ly khai kiểm soát ở Donbass với bán đảo Crimea theo đường bờ biển Azov và vùng Kherson. Theo các chuyên gia, đây là các điều kiện cần và đủ để Nga tuyên bố chiến thắng và chấm dứt chiến dịch.
Ukraine thì muốn quay lại tình trạng như trước chiến tranh, đồng nghĩa quân đội Nga sẽ rút khỏi các vị trí. Đặc biệt, Kiev muốn Nga rút quân khỏi các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass. Đổi lại, nước này có vẻ sẵn sàng nhượng bộ về việc gia nhập NATO và đàm phán về tình trạng trung lập với các bên đảm bảo nước ngoài, trong đó có Nga.
Một binh sĩ Ukraine ở Mariupol. (Ảnh: AP)
Tác động của quốc tế
Giới chức Mỹ và châu Âu từ giữa tháng 4 nhận định xung đột ở Ukraine có thể kéo dài thêm 4-6 tháng nữa, và thậm chí đến hết năm 2022.
Các nước phương Tây đang tiếp tục hỗ trợ vũ khí liên tục cho Ukraine. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo gói hỗ trợ trị giá 800 triệu USD gồm các hệ thống phòng không Stinger, tên lửa Javelin, khí chống tăng hạng nhẹ, hệ thống chống tăng AT-4, cũng như hệ thống UAV chiến thuật. Cùng với nhiều vũ khí khác đã nhận được, Kiev tiếp tục khẳng định cần được hỗ trợ liên tục và kịp thời.
Tuy nhiên, các kho vũ khí cũng có giới hạn. Bên cạnh đó, Mỹ và châu Âu chắc chắn không muốn xung đột lan rộng và có thể “kéo” theo cả NATO. Những yếu tố này có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực của các bên và từ đó là các lựa chọn, ưu tiên trên chiến trường.
Các lệnh trừng phạt và kinh tế là một yếu tố khác.
Hiện Ukraine được đánh giá là đã mất 565 tỷ USD trực tiếp từ cuộc khủng hoảng. Trong khi đó kinh tế Nga, dù có sự chuẩn bị nhưng vẫn được dự đoán giảm 11% trong năm nay, và có nguy cơ sa lầy vào suy thoái nếu các lệnh trừng phạt kéo dài và chiến sự vẫn tiếp tục. Moskva và Kiev có thể chịu thiệt hại bao nhiêu trước khi thay đổi chiến lược cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian chấm dứt xung đột.
Đàm phán vẫn là giải pháp
Các nhà đàm phán Ukraine hôm 20/4 đã tuyên bố sẵn sàng tổ chức “đối thoại đặc biệt” với Nga, chưa rõ Moskva đã đáp lại đề xuất này hay chưa.
Trong khi đó, các diễn biến trên chiến trường tiếp tục diễn ra nhanh chóng. Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/4 cho biết quân đội nước này đã kiểm soát toàn bộ thành phố cảng Mariupol, ngoại trừ nhà máy luyện kim Azovstal.
Theo chuyên gia, dù là trừng phạt kinh tế lẫn nhau hay cung cấp vũ khí, các biện pháp về lâu dài sẽ gây thiệt hại cho tất cả các bên nhiều hơn là đưa xung đột quân sự đến kết thúc.
“Chỉ có một câu trả lời cho cuộc chiến ở Ukraine đó là một thỏa thuận hòa bình”, ông Jeffrey Sachs, giám đốc Trung tâm phát triển bền vững, Đại học Columbia nói.