Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cụ ông 86 tuổi là người hiến tặng giác mạc đầu tiên ở Hoà Bình

(VTC News) -

Sau khi cụ ông ở Hoà Bình trút hơi thở cuối cùng, gia đình liên hệ với Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 để thực hiện di nguyện hiến giác mạc.

Trước lúc mất, cụ ông 86 tuổi ở Hoà Bình dặn dò con cháu về nguyện vọng sau khi qua đời muốn hiến toàn bộ mô tạng để giúp những người bệnh hồi sinh sự sống.

Ngày 30/11, khi cụ trút hơi thở cuối cùng, gia đình cùng Hội Chữ thập đỏ Hoà Bình báo tin cho Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Các cán bộ của đơn vị này đã về Hoà Bình tiếp nhận đôi giác mạc của cụ ông.

Quá trình thu nhận giác mạc diễn ra nhanh chóng, dưới sự chứng kiến của đại diện Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình, UBND phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình.

Các chuyên viên ngân hàng mô lấy giác mạc của người hiến. (Ảnh: BVCC)

Theo bà Phạm Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình, cụ ông là tấm gương sáng cho cộng đồng. Hành động của cụ truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Đây là trường hợp hiến tặng giác mạc đầu tiên của tỉnh, dù đau buồn nhưng gia đình và địa phương cũng vinh dự, tự hào.

“Đó là nghĩa cử cao đẹp, tấm gương sáng về lòng nhân ái, minh chứng cho sức mạnh của tình yêu thương và sự sẻ chia trong cuộc sống”, bà Ánh nói.

Hiện Việt Nam có khoảng 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách đăng ký chờ ghép có gần 1.000 người, con số này ngày tăng lên theo thời gian. Từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện Mắt Trung ương ghép giác mạc được hơn 60 ca.

Từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4/2007 - cụ bà Nguyễn Thị Hoa ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, hiện cả nước ghi nhận 963 người hiến, tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình (437 người hiến), Nam Định (332 người hiến). 

Phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên đông đảo và tay nghề cao nhưng nguồn giác mạc khan hiếm, lượng hiến tặng thời gian qua mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Vì vậy, hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất là người hiến sau khi qua đời

Như Loan

Tin mới