Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Công ty từng sản xuất chất độc da cam bị thua kiện gần 300 triệu USD do thuốc diệt cỏ gây ung thư

Tòa án Mỹ phán quyết thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của nguyên đơn và ghi chép của chính công ty Monsanto đã tiết lộ sự thật động trời về mối liên hệ của các thuốc diệt cỏ glyphosate do công ty này sản xuất với căn bệnh ung thư, theo The Guardian.

Bản án được toàn thế giới biết đến, bê bối giáng vào một trong những công ty hạt giống và hóa chất lớn nhất thế giới khi các bồi thẩm đoàn ở tòa án thành phố San Francisco (California, Mỹ) hôm 11/8 kết luận công ty Monsanto phải bồi thường cho ông Dewayne Johnson gần 290 triệu USD (gần 6.750 tỉ đồng) trong vụ kiện liên quan đến thuốc diệt cỏ Roundup.

Monsanto trở thành một đơn vị của công ty Đức Bayer AG vào tháng 6/2018, đã dành hàng chục năm thuyết phục người tiêu dùng, nông dân, chính trị gia và các nhà chính sách bỏ qua bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa các thuốc diệt cỏ glyphosate của hãng với ung thư và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto. (Ảnh: Reuters)

Những bí mật động trời của Monsanto bị tiết lộ

Dewayne Johnson, người cha 46 tuổi bị mắc một loại của bệnh ung thư lympho không Hodgkin. AFP dẫn đơn kiện của nguyên đơn cho hay ông Johnson là thợ làm vườn và phải tiếp xúc với thuốc diệt cỏ Roundup khoảng 20 - 30 lần mỗi năm trong thời gian làm việc cho một trường học địa phương. Nạn nhân 46 tuổi từng gặp 2 tai nạn khiến thuốc này đổ khắp người, lần đầu tiên là vào năm 2012. Đến năm 2014, Johnson bị chẩn đoán mắc ung thư hạch bạch huyết và hiện căn bệnh đã ở giai đoạn cuối với những vết lở loét phủ kín đến 80% cơ thể.

 Ông Johnson khi nghe bản cáo trạng tại tòa. (Ảnh: Getty/SBS)

Theo The Guardian, Monsanto áp dụng một loạt chiến lược – một số cũng được ngành công nghiệp thuốc lá sử dụng để nói về “sự an toàn của thuốc lá” – nhằm ngăn chặn và thao túng các tài liệu khoa học, quấy rối các nhà báo và nhà khoa học không đi theo những gì họ tuyên truyền, bắt tay và thông đồng với một số nhà chính sách. Một trong những luật sư hàng đầu của Monsanto trong vụ San Francisco là George Lombardi, người có kinh nghiệm bào chữa cho các công ty thuốc lá lớn.

Với vụ án của Dewayne Johnson, các chiến lược bí mật của Monsanto bị “bóc trần” trước toàn thế giới. Monsanto bị chống lại bởi chính những gì các nhà khoa học của mình đưa ra, sự thật được tiết lộ qua những email, báo cáo chiến lược nội bộ và các hình thức liên lạc khác của công ty này. Qua đó, phán quyết của bồi thẩm đoàn cho thấy không chỉ sản phẩm Roundup và các nhãn hàng glyphosate liên quan của Monsanto là mối đe dọa lớn cho người sử dụng, mà còn có những bằng chứng rõ ràng và thuyết phục cho thấy các lãnh đạo Monsanto “một cách cố ý và lạm quyền” đã không cảnh báo đầy đủ về những nguy cơ khi sử dụng những loại thuốc này. 

Tại phiên tòa, lời khai và bằng chứng cho thấy những cảnh báo từ các nhà khoa học về sản phẩm đã được đưa ra từ những năm 1980 và càng ngày càng tăng. Nhưng mỗi khi có một nghiên cứu mới chỉ ra tác hại của sản phẩm, Monsanto không cảnh báo hay thiết kế lại sản phẩm mà lại "thiết kế" ra nghiên cứu khoa học khác để chứng minh chúng an toàn.

Theo The Guardian, công ty này thường đưa “khoa học” của mình ra công chúng bằng những công trình được đặt hàng và làm ra vẻ như công trình độc lập để tăng độ tin cậy. Bằng chứng cũng cho thấy công ty làm việc với một số quan chức ở cơ quan bảo vệ môi trường để đẩy mạnh thông điệp an toàn và hạn chế bằng chứng về các tác hại.

Video: Thuốc diệt cỏ Glyphosate có nguy cơ gây ung thư

Cũng theo The Guardian, các vụ việc liên quan đến Monsanto rộng lớn hơn nhiều so với quy mô của một vụ riêng lẻ và thậm chí có tác động toàn cầu. Một phiên xử khác sẽ diễn ra vào tháng 10 tại St. Louis, bang Missouri, Mỹ và gần 4.000 nguyên đơn có khiếu nại chưa được giải quyết về những thiệt hại có thể phải đền bù bằng hàng trăm triệu USD hay lên đến hàng tỷ USD. Tất cả nguyên đơn đều tố cáo không chỉ bệnh ung thư của họ là do tiếp xúc với thuốc diệt cỏ của Monsanto gây ra, mà Monsanto còn che đậy những nguy hiểm này dù đã biết đến từ lâu.

Nhóm luật sư của các nguyên đơn dẫn đầu vụ kiện nói họ mới chỉ tiết lộ một phần nhỏ bằng chứng thu thập được từ các tập tin nội bộ của Monsanto và dự định sẽ tiết lộ nhiều chi tiết hơn trong tương lai.

Trong khi đó, Monsanto duy trì tuyên bố không làm gì sai trái, cho rằng các bằng chứng đã bị xuyên tạc. Các luật sư của công ty này cho biết có nhiều nghiên cứu khoa học vững chắc ủng hộ họ, tuyên bố sẽ kháng cáo. Điều này đồng nghĩa với việc ông Johnson và gia đình có thể mất thêm nhiều năm để nhìn thấy khoản đề bù, vợ ông - bà Araceli đang phải làm hai công việc để kiếm sống và nuôi hai con nhỏ trong khi ông Johnson chuẩn bị cho một đợt hóa trị khác.

Những bê bối gây tranh cãi trên toàn cầu

Các bê bối về Monsanto chủ yếu liên quan đến các sản phẩm hạt giống biến đổi gen (GM) và ô nhiễm môi trường. Tại Argentina năm 2004, 7 năm sau khi đậu nành GM Monsanto được giới thiệu như một điều kỳ diệu kinh tế đối với các nông dân nghèo, những nhà nghiên cứu chỉ ra nó đang gây khủng hoảng môi trường khi hủy hoại đất và cho phép các giống cỏ kháng thuốc phát triển ngoài tầm kiểm soát.

 Biểu tình phản đối công ty Monsanto ở Mỹ. (Ảnh: Reuters) 

Đáp lại, công ty cho rằng “những vấn đề với đậu nành GM là do cách sử dụng độc canh, không phải do đó là GM. Theo công ty này cần trồng đậu nành GM xen kẽ với các mùa vụ khác, và "nếu loại bỏ cây này để trồng cây khác thì bạn chấp nhận chịu hậu quả." Theo The Guardian, đậu nành GM dù giúp năng suất tăng lên nhưng cũng khiến nông dân phải sử dụng thuốc diệt cỏ nhiều hơn và mạnh hơn do đặc tính kháng thuốc. 

Năm 2011, Monsanto cùng với BP và Veolia bị cáo buộc làm ô nhiễm một mỏ đá ở South Wales, Anh với nhiều chất độc do nhà máy của công ty này ở Newport thải ra trong những năm 1960-1970. Các cuộc điều tra cho thấy khu vực bị ô nhiễm nặng nề với các chất nguy hiểm rò rỉ từ thùng chứa chất thải được chôn dưới đất. Monsanto đồng ý làm sạch mỏ đá nhưng từ chối thừa nhận trách nhiệm, nói họ đã ký hợp đồng xử lý chất thải với một bên thứ ba.

Tháng 5/2013, hai triệu người phản đối công ty hạt giống Monsanto trong hàng trăm cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ và hơn 50 nước khác. Cuộc biểu tình nhằm mục đích kêu gọi sự chú ý về nguy cơ của thực phẩm biến đổi gen và phản đối các công ty Monsanto sản xuất chúng. Người tổ chức phong trào cho biết các cuộc biểu tình được tổ chức hơn 436 thành phố tại 52 quốc gia.

Phương Anh

Tin mới