Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Công an TP.HCM thông tin chính thức vụ bắt ông Tất Thành Cang

(VTC News) -

Tối 16/12, Công an TP.HCM thông tin chính thức về quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Tất Thành Cang.

Theo Công an TP.HCM, quá trình điều tra các vi phạm trong việc phát hành cổ phiếu tại Công ty phát triển Công nghiệp Tân Thuận và Công ty cổ phần SADECO, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã phát hiện các dấu hiệu sai phạm liên quan của ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM (nhiệm kỳ 2015- 2020).

Ông Tất Thành Cang.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy các dấu hiệu và hành vi vi phạm của ông Tất Thành Cang đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm “vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ban hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Tất Thành Cang.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ án.

Theo Công an TP.HCM, việc khởi tố, bắt tạm giam để điều tra đối với ông Tất Thành Cang là thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Kiên quyết xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền…”.

Như VTC News đưa tin, ông Tất Thành Cang bị khởi tố, bắt tạm giam vì những sai phạm liên quan đến việc phát hành, bán 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược - công ty Nguyễn Kim tại công ty Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn SADECO.

Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với ông Phạm Nhật Vinh và ông Nguyễn Hữu Thành (cả 2 là cổ đông tại SADECO).

Trước đó, tại kỳ họp thứ 31 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM.

Theo đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.HCM và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy TP.HCM.

Ngoài ra, ông Cang còn vi phạm khi chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy TP.HCM biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp.

Ông Cang đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ TP.HCM.

Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND thành phố, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ông Tất Thàng Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng.

"Những vi phạm của đồng chí Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật", thông cáo báo chí kỳ họp thứ 31 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ.

Chuyển nhượng đất không đấu thầu gây thất thoát

Ngày 4/6/2018, Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ TP.HCM có kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm điểm xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm liên quan đến Dự án khu dân cư Phước Kiển do Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Ông Tất Thành Cang có những vi phạm cụ thể sau: Quyết định không đúng thẩm quyền; vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước về kinh doanh bất động sản.

Ông Cang đã không đảm bảo quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ TP.HCM; thiếu kiểm tra trong triển khai thực hiện các quyết định của mình.

Cụ thể, ngày 24/4/2017, Công ty Tân Thuận (IPC) và Công ty Quốc Cường Gia Lai họp bàn phương án chuyển nhượng khu đất.

Ngày 26/4/2017, ông Trần Công Thiện thay mặt HĐTV trình lên lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Phòng Quản lý Đầu tư - Kinh doanh Vốn (Văn phòng Thành ủy) về phương án chuyển nhượng đất và hợp tác với Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Ngày 1/6/2017, Văn phòng Thành ủy thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận được chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai.

Sau chỉ đạo trên, ngày 5/6/2017, 2 công ty đã ký kết hợp đồng về việc chuyển nhượng phần diện tích đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển.

Việc làm này ông Tất Thành Cang đã không báo cáo Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi quyết định cho bán đất.

Sau đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang chủ trương cho Công ty Tân Thuận được chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai.

Quy trình không qua đấu thầu mà chỉ định hợp tác, chuyển nhượng; tập thể lãnh đạo Công ty Tân Thuận đã không họp bàn bạc để thống nhất chủ trương chuyển nhượng và giá chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án khu dân cư Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, dẫn đến việc đề xuất giá bán không những thấp hơn giá thị trường mà còn thấp hơn cả giá do Hội đồng thẩm định giá thành phố thẩm định, thấp hơn giá do chính công ty này lên phương án dự kiến đền bù cho người dân.

Liên quan sai phạm tại Công ty Tân Thuận - IPC và Sadeco

Ông Tất Thành Cang được cho có liên quan đến sai phạm tại Công ty Tân Thuận - IPC và Sadeco khi đang là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, đã đồng ý chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược gây thiệt hại của Nhà nước khoảng 153 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam ít nhất 18 người, trong đó có Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc IPC); Trần Công Thiện (nguyên Tổng Giám đốc IPC), Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng Giám đốc Sadeco); Lê Hoàng Minh (Chủ tịch HĐTV Công ty IPC); Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy); Huỳnh Phước Long (nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy, nguyên thành viên HĐQT Công ty Sadeco - công ty con của IPC)

Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, Sadeco phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim… khiến ngân sách TP.HCM bị thiệt hại hơn trăm tỷ đồng.

Thanh tra TP.HCM cho biết, tháng 3/2015, IPC bán đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần Sadeco cho Công ty Exim với giá 26.100 đồng/cổ phần. Việc này làm giảm tỷ lệ vốn góp của IPC tại Sadeco từ 74,8% xuống 44%. Đến tháng 9/2016, Công ty Exim bán toàn bộ cổ phần trên cho Công ty Nguyễn Kim với giá 57.000 đồng/cổ phần.

Đến cuối năm, Công ty Nguyễn Kim đề xuất mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco. Sadeco sau đó ra nghị quyết thống nhất chủ trương hợp tác chiến lược với Công ty Nguyễn Kim. Từ đó, Công ty Nguyễn Kim trở thành cổ đông chiến lược.

Tháng 6/2017, HĐQT Sedeco có tờ trình trình Đại hội cổ đông đề xuất phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim để tăng vốn điều lệ. Sau đó, cuối tháng 6/2017, Đại hội đồng cổ đông Sadeco đã thông qua việc này.

Lúc đó, nhóm đại diện vốn của IPC tại Sadeco đã biểu quyết đồng ý 100%. Việc này làm giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sedeco từ 44% xuống 28,8%.

Điều đáng nói là khi Công ty Exim chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là 57.000 đồng/cổ phần (tháng 9/2016) thì Sedeco chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim là 40.000 đồng/cổ phần (tháng 6/2017).

Thế Quang

Tin mới