Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Con trai hiếu thuận gần 20 năm buộc lòng gửi cha vào bệnh viện tâm thần

(VTC News) -

Anh L.T.H phải gửi cha vào bệnh viện tâm thần điều trị do mỗi lần tức giận, ông lại lôi toàn bộ đồ trong gia đình ra đốt, vừa đốt, vừa la hét mất kiểm soát.

Ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai) đã gần 20 năm, lúc tỉnh, lúc mê, ông L.V.T (SN 1957, quê Hà Tĩnh) vừa khóc vừa kể về câu chuyện của mình.

"Mỗi lần nóng giận, tôi sẽ đốt hết quần áo và đồ đạc trong nhà. Muốn về với con cháu lắm nhưng tôi sợ không làm chủ được cảm xúc lại gây hại cho các con, thậm chí là bà con xung quanh", ông T nói.

Vợ mất sớm, một mình ông T làm lụng vất vả nuôi ba người con ăn học thành tài. Hiện, một người con của ông đã định cư nước ngoài, hai người còn lại sống ở TP.HCM. 

Năm các con 18 tuổi, ông định hướng cho các đi học đại học. Tốt nghiệp đại học, ba người con ở lại các thành phố lớn làm việc. Ông T lủi thủi ở quê nhà ngày ngày trồng rau, nuôi cá, thỉnh thoảng con về thăm. 

Khu điều trị cho bệnh nhân tâm thần cao tuổi.

Cuối tuần nào, anh L.T.H cũng vào thăm bố. Nắm tay bố, anh H kể: "Mẹ mất sớm, nên bố tôi rất vất vả. Từ lúc chúng tôi còn nhỏ, bố đã hay la mắng mỗi lần chúng tôi phạm lỗi, dù là lỗi nhỏ. Bố bảo, nếu không mắng, không la thì ra đời không thể tồn tại được. Anh em tôi cũng nhờ vậy mà rất ngoan và thành tài, tuy nhiên không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng". 

Theo anh H, có lẽ vì lo âu trong thời gian dài, lại ở xa các con, bố anh càng cáu gắt và nổi nóng vô cớ. Có hôm, anh H nhận được điện thoại của bà con ở quê gọi vào lúc nửa đêm báo có tiếng la hét trong nhà. Gọi điện cho bố không được, sáng hôm sau anh H đặt lịch bay sớm.

Về đến quê, bố anh H bảo do có con rắn vào nhà, giật mình nên la lên. Tình trạng như vậy kéo dài trong 1 tháng. Quá lo lắng nên anh quyết định đón bố vào TP.HCM sinh sống. 

Nhà anh H ngụ quận 12, hằng ngày vợ chồng anh đi làm, con cái đi học, bố ở nhà. Anh vẫn thường xuyên nhờ hàng xóm để ý giúp, nếu có gì bất thường thì gọi điện thông báo giùm.

"Có hôm, tôi đang đi làm thì nhận được điện thoại hàng xóm bảo nhà có khói. May mà công ty gần nhà, tôi chạy về kịp và ngăn ông lại. Ông lôi hết đồ trong nhà, vừa đốt ông vừa bảo do tôi không nghe lời ông, nên ông đốt hết", anh H kể.

Có hôm, ông T bỏ nhà đi lang thang, cả gia đình phải đi kiếm 2 ngày mới ra. Đón được ông về nhà thì ông không ăn, không uống, sợ con đầu độc mình. Thấy tình trạng sức khỏe bố ngày càng không ổn và sa sút, anh H. quyết định đưa bố nhập viện Tầm thần Trung Ương 2 để thăm khám và điều trị. 

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Hội, Khoa Tâm thần người cao tuổi - Bệnh viện Trung Ương 2 cho biết, chị công tác tại bệnh viện gần 20 năm, cũng là ngần ấy thời gian ông T điều trị tại đây.

"Thực ra, ở đây có rất nhiều trường hợp người lớn tuổi bị con cái bỏ rơi. Tuy nhiên trường hợp ông T thì không. Ông được con cái quan tâm và thăm nuôi rất đều đặn", điều dưỡng Hội nói.

Theo điều dưỡng Hội, ông T là trường hợp rất đặc biệt và đáp ứng thuốc rất tốt, vào điều trị một thời gian ngắn sức khỏe của ông sẽ như người bình thường, không có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Tuy nhiên, khi về nhà lại tái phát. 

Trước đây, anh H thường hay đón bố về nhà sau khi ông đã khỏe, nhưng cứ về đến nhà, là ông phát bệnh, la hét, không chịu tắm, rửa. Thậm chí, ông đốt đồ đạc liên tục nên anh H lại vội vàng đưa vào viện.

Sau này, anh H chỉ đưa bố về nhà dịp lễ, Tết hay nhà có giỗ, chạp và chỉ đưa về trong ngày, cuối ngày lại đưa ông vào bệnh viện để được chăm sóc, điều trị.

"Thương bố, rất đau lòng nhưng tôi không còn cách nào khác. Lỡ bố tôi phát bệnh lúc không có ai bên cạnh, lại có "sở thích" đốt nhà thì ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bố, của gia đình cũng như bà con lối xóm", anh H chia sẻ.

Bệnh nhân tâm thần trong giờ sinh hoạt vào buổi sáng.

Bác sỹ Nguyễn Thị Oanh, trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi - Bệnh viện Trung Ương 2 nhận định, đây là trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng paranoid là loại thường gặp nhất trong bệnh tâm thần phân liệt.

Theo thống kê, bệnh nhân tâm thần phân liệt thể hoang tưởng paranoid chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các loại bệnh tâm thần. Bệnh nhân thường có những hoang tưởng, ảo giác không phù hợp với với văn hóa, tôn giáo, chính trị, hoặc là những quyền lực siêu nhiên… những hoang tưởng ảo giác này gây ảnh hưởng trực tiến đến suy nghĩ, hành vi thậm chí gây hại cho bản thân và người khác.

BS Oanh cho biết, bệnh gây nên nhiều hệ lụy trong cuộc sống của người bệnh và ảnh hưởng xấu tới tinh thần, làm người bệnh xa rời với các mối quan hệ khiến cho người bệnh ngày càng bị cô lập, bị xa lánh, kỳ thị.

"Rối loạn tâm thần phân liệt thể hoang tưởng có thể kéo dài suốt đời, song cũng có thể kiểm soát tốt nếu như người bệnh phát hiện bệnh sớm và có quyết tâm điều trị", BS Oanh nói.

Lâm Ngọc

Tin mới