Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghiện game, tiến sĩ lương nghìn USD mất trắng sự nghiệp, nhập viện tâm thần

(VTC News) -

Là du học sinh từ nước ngoài về, được nhiều công ty săn đón, nhưng người đàn ông 30 tuổi lại chìm đắm trong game đến mức phải nhập viện tâm thần.

Nguyễn Văn Nam, 32 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ ngành kiến trúc ở châu Âu, trở về nước làm việc trong một công ty kiến trúc có tiếng, mức lương hơn 3.000 USD/tháng.

Ba năm trở lại đây anh thường xuyên phải nhảy việc vì không đáp ứng được việc công ty giao, lý do dành quá nhiều thời gian chơi game.

Ban đầu Nam chỉ chơi vài trận game xả stress sau giờ làm việc, sau đó anh chơi nhiều hơn, tăng lên 5 tiếng/ngày. Thấy con trai ham quá, thậm chí bỏ việc ở nhà để chơi, bố mẹ nhắc nhở thì tâm lý anh trở nên bất thường, thậm chí quát tháo người thân.

Mới đây Nam nghỉ việc hẳn để ở nhà, tự nhốt mình trong phòng để thoả mãn việc chơi game. Anh chơi game suốt ngày đêm, quên ăn quên ngủ, sút cân nhanh tới mức gầy guộc xanh xao, đi lại không vững. Quá lo lắng cho con trai, gia đình phải đưa anh đến khám tại bệnh viện tâm thần.

Các bác sĩ cho biết, nghiện game là một bệnh của não, do đó điều trị nghiện game cần can thiệp chuyên sâu về lĩnh vực sức khỏe tâm thần. (Ảnh minh hoạ)

Cùng điều trị với Nam là Đặng Văn Tuấn (30 tuổi), 8 năm kể từ khi nhận tấm bằng đại học, Tuấn vẫn chưa thể xin được việc làm. Nguyên nhân chỉ vì nam thanh niên này bị nghiện game.

Tuấn mê game từ khi học cấp 2, không hòa nhập với bạn bè, người thân. Từ đó đến nay đã 30 tuổi nhưng anh chỉ ở nhà không chịu làm gì. Tâm trí anh ngây ngô như một đứa trẻ con, không có hiểu biết gì về lĩnh vực khác và không có giao tiếp xã hội.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, cả Nam và Tuấn đều là những bệnh nhân nghiện game nặng, phải dùng đến nhiều biện pháp cưỡng ép, trị liệu tâm lý và thuốc mới đưa bệnh nhân tách rời khỏi game.

“Hai chàng trai đến viện trong tâm lý bất ổn. Nam không rời tay khỏi máy tính, trong khi Tuấn tâm trí, biểu cảm ngờ nghệch như một đứa trẻ 5 tuổi”, bác sĩ Thu nói.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)

Hiện cuộc sống bận rộn khiến nhiều gia đình không kiểm soát được con. Thậm chí, phụ huynh để điện thoại, máy tính thay mình trông con trẻ từ rất sớm. Đây là một trong những nguyên do khiến trẻ bị nghiện game ngày càng nhiều.

Nghiện game là một bệnh của não, do đó điều trị nghiện game cần can thiệp chuyên sâu về lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Đối với các trường hợp tiềm ẩn bệnh tâm thần thì lạm dụng game được coi là nút kích hoạt khiến cho bệnh xuất hiện triệu chứng điên cuồng và dần nặng lên.

Điều đó khiến bệnh nhân có hành vi, thái độ tiêu cực trong đời thực do tập nhiễm, bắt chước nội dung bạo lực, không lành mạnh trong game hoặc xuất hiện triệu chứng lo âu, trầm cảm. Biến chứng nặng nhất của trầm cảm là tự sát, còn biến chứng nặng nhất của lo âu là mất sức lao động bởi các bệnh nhân liên tục lo lắng, căng thẳng quá mức.

Nếu không kịp thời phát hiện bệnh thì sẽ có nhiều tai họa khó lường, làm tổn hại đến tương lai của bệnh nhân cũng như tăng thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nguyễn Ngoan

Tin mới