Video: Bão Trà Mi tấn công Philippines, 92 khu vực bị ngập lụt.
Chia sẻ về tên bão Trà Mi do Việt Nam đặt, ông Lê Đình Quyết - Trưởng phòng Dự báo Khí tượng thủy văn, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, tên cơn bão được đặt và chọn theo thứ tự lần lượt. Do vậy, khi tên đó đến lượt và có bão xuất hiện thì sẽ được gán cho chúng. Như cơn bão lần này thì tên “Trami” đến lượt và được gán cho cơn bão hiện tại.
"Với khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông (trong đó có các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam), phần lớn cơn bão được đặt tên theo tên địa danh, động vật hoặc thực vật nhằm nêu bật đặc điểm đặc trưng của đất nước đặt tên đó. Mỗi quốc gia được đặt 10 tên bão, chia thành 5 danh sách và sẽ xoay vòng theo năm. Do vậy khi nghe tên bão thường có tên rất đẹp", ông Lê Đình Quyết nói.
Tên bão Trà Mi (tên quốc tế Trami) do Việt Nam đặt, bão đang tiến nhanh vào Biển Đông. (Nguồn ảnh: NCHMF)
Ngoài tên, mỗi cơn bão đều được gắn 1 mã số (ID) cụ thể. Với khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, các ID của cơn bão bắt đầu bằng 2 số cuối của năm (ví dụ năm 2024 thì tiền tố ID là 24) và kết thúc bằng số thứ tự cơn bão đó xuất hiện trên khu vực. Ví dụ, cơn bão Trami có ID là 2420, tức năm xuất hiện là 2024 và là cơn bão thứ 20 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, tên quốc tế là Trami.
Cũng theo ông Quyết, việc đặt tên cho các cơn bão đã bắt đầu từ lâu, nhằm giúp xác định nhanh các cơn bão trong những thông báo cảnh báo.
Những cái tên sẽ giúp người dân dễ nhớ hơn so với các con số và thuật ngữ kỹ thuật. Đồng thời, việc đặt tên sẽ giúp các phương tiện truyền thông đưa tin về các cơn bão dễ dàng hơn, giúp người dân để ý các cảnh báo, từ đó tăng cường đối phó khi bão ập đến.
Dãy nhà ven biển Hội An, Quảng Nam bị sóng đánh sập do ảnh hưởng của cơn bão Vamco tháng 11/2020.
Việc sử dụng tên riêng, ngắn gọn cũng giúp việc thông báo bằng văn bản hoặc giọng nói diễn ra thuận lợi hơn, nhanh hơn và ít bị lỗi hơn so với phương pháp xác định cơn bão bằng kinh độ, vĩ độ khó nhớ, dài dòng. Những điều này tạo ra lợi thế quan trọng trong việc trao đổi thông tin chi tiết về những cơn bão.
Đặc biệt, tên của những cơn bão có thể bị loại bỏ nếu cơn bão đó gây thiệt hại nặng nề về người và của. Thông thường, trong các cuộc họp thường niên của WMO, những cái tên “phạm” phải điều này sẽ được loại bỏ.
Ví dụ, Hàn Quốc từng đề nghị loại bỏ tên bão Saomai (Việt Nam đề cử) ra khỏi danh sách tên bão vì cơn bão mang tên này đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã đề nghị bỏ tên bão Chanchu do Hàn Quốc đặt vì đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam.
Ngoài tên quốc tế do Ủy ban Bão thống nhất từ đề xuất của các quốc gia, nhiều nước có hệ thống tên riêng như Philippines có hệ thống tên bão riêng. Cơn bão Trami, Philippines đặt tên là Kristine. Việt Nam cũng đặt tên bão theo hệ thống riêng bằng các con số theo dãy số tự nhiên.
Thực tế, chưa có thống kê nào nêu về có bao nhiêu cơn bão mang tên tiếng Việt mạnh nhất đã đi vào Biển Đông và gây ảnh hưởng đến nước ta. Từ năm 2015 đến năm 2023 có khoảng 7 cơn bão mang tên tiếng Việt tồn tại và đi vào khu vực Biển Đông.
Tên bão Trà Mi do Việt Nam đặt. Trà Mi trong tiếng Việt là một loài hoa thuộc họ hoa hồng. Hoa Trà Mi còn có tên gọi khác là hoa Sơn Trà, hoa có tên khoa học là Camellia Japonica, thuộc chi chè. Hoa có nguồn gốc từ vùng Đông Á.
Việt Nam đề xuất 10 tên bão
Theo Trang tin Tổng cục Khí tượng thuỷ văn Việt Nam, bão có nhiều cách gọi khác nhau tùy thuộc vào khu vực phát sinh bão. Bão hình thành trên biển Đại Tây Dương gọi là Hurricanes; hình thành trên biển Thái Bình Dương gọi là Typhoon; hình thành trên biển Ấn Độ Dương gọi là Tropical Cyclones.
Các cơn bão có thể tồn tại trên biển trung bình từ 7 - 8 ngày hoặc lâu hơn. Trên cùng một khu vực, cùng một thời gian có thể có từ 2 đến 3 cơn bão tồn tại, thậm chí có thể nhiều hơn. Vì vậy, người ta đã đặt tên cho các cơn bão để tránh nhầm lẫn trong việc đưa ra các thông tin về từng cơn bão.
Bão số 13 năm 2020 (tên quốc tế là Vamco) khi đi vào Biển Đông với cường độ mạnh cấp 12, giật cấp 15, là một trong những cơn bão mạnh với tên tiếng Việt. (Ảnh: Xuân Tiến)
Trong thời gian xảy ra chiến tranh Thế giới thứ II, các nhà Khí tượng Lục quân và Hải quân Mỹ đã dùng tên của phụ nữ để đặt tên cho các cơn bão.
Các cơn bão ở Đông Bắc Thái Bình Dương được đặt theo tên phụ nữ từ năm 1959 - 1960, đến năm 1978 sử dụng cả tên nữ giới và nam giới. Ở vùng Bắc Ấn Độ Dương, các cơn bão nhiệt đới không được đặt tên. Ở Tây Nam Ấn Độ Dương, bão bắt đầu được đặt tên từ năm 1960. Ở vùng Australia và Nam Thái Bình Dương, bão bắt đầu được đặt tên (theo tên phụ nữ) từ năm 1964, đến năm 1973 thì sử dụng cả tên nam giới.
Các cơn bão trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương (bao gồm cả Biển Đông của Việt Nam) được đặt tên theo tên phụ nữ chính thức bắt đầu từ năm 1945, đến năm 1979 thì bắt đầu sử dụng cả tên của nam giới. Từ ngày 1/1/2000, các cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương được đặt tên theo danh sách các tên mới và rất khác nhau.
Các tên mới được bổ sung gồm các tên do 14 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là thành viên Uỷ ban Bão của Tổ chức Khí tượng Thế giới đề xuất. Mỗi thành viên cung cấp 10 tên, tạo thành danh sách 140 tên bão.
Các cơn bão hình thành trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ủy quyền cho Trung tâm Báo bão nhiệt đới Tokyo thuộc Cơ quan khí tượng Nhật Bản đặt tên.
Danh sách các tên bão mới có hai sự khác biệt so với trước đây. Thứ nhất, rất ít tên bão là tên riêng của người mà phần lớn là tên các loài hoa, các loài chim, các loài cây cỏ, các động vật và thậm chí là tên các món ăn.
Thứ hai, danh sách tên bão không được sắp xếp theo thứ tự các chữ cái mà sắp xếp theo thứ tự chữ cái của tên các nước đề xuất tên.
Một điều cần lưu ý là sau một vài năm tổng kết, với các cơn bão gây ra thiệt hại nặng nề cho các nước đóng góp tên thì tên các cơn bão đó sẽ được đưa ra khỏi danh sách tên bão và được thay thế bằng một tên mới. Do vậy danh sách các tên bão trên là không cố định và luôn có sự bổ sung.
Từ năm 2000, Việt Nam đã đề cử với Ủy ban Bão về tên các cơn bão trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương với 10 tên bão bao gồm: SonTinh (Sơn Tinh), Lekima (Lekima), Ba Vi (Ba Vì), Conson (Côn Sơn), Sonca (Sơn Ca), Trami (Trà Mi), Halong (Hạ Long), Vamco (Vàm cỏ), Songda (Sông Đà), Saola (Sao La).
Năm 2021, Việt Nam có đề nghị đổi tên cơn bão khi bão gây thiệt hại hoặc do các nước yêu cầu đổi. Từ năm 2000, khi đề nghị đến nay đã có các thay đổi như sau: Saomai (tên cũ) được đổi tên thành Sontinh (Sơn Tinh, tên được đổi vào năm 2008); Lekima (tên cũ) được đổi tên thành Co-May (Cỏ May, tên được đổi vào năm 2021); Vamco (tên cũ) được đổi tên thành Bang-Lang (Bằng Lăng, tên được đổi vào năm 2022); Conson (tên cũ) được đổi tên thành Luc-Binh (tên được đổi vào năm 2024); Saola (tên được Philippines đề nghị đổi).
Đến thời điểm tháng 10/2024, tên cơn bão do Việt Nam đề xuất đặt tên trên hệ thống Ủy ban Bão và Tổ chức WMO có 10 tên cơn bão bao gồm: SonTinh (Sơn Tinh), Co-May (Cỏ May), Bavi (Ba Vì), Luc-Binh (Lục Bình), Sonca (Sơn Ca), Trami (Trà Mi), Halong (Hạ Long), Bang-Lang (Bằng Lăng), Songda (Sông Đà), Saola (Sao La).
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, lúc 7h ngày 23/10, cơn bão có tên quốc tế Trami (tiếng Việt là Trà Mi) trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h.
Bão di chuyển nhanh, dự báo vào Biển Đông trong ngày 24/10, trở thành cơn bão số 6 trong năm 2024 hoạt động trên khu vực biển này.