Cụ thể, đóng cửa phiên chiều, VN-Index tăng 9.64 điểm (0.79%), lên mức 1,236.6 điểm; HNX-Index tăng 2.33 điểm (1.02%), lên mức 231.56 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về sắc xanh với bên mua có 431 mã tăng và bên bán có 324 mã giảm. Sắc xanh cũng áp đảo trong rổ VN30 với 22 mã tăng, 6 mã giảm và 2 mã tham chiếu.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 657 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 15.6 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 56 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 1 ngàn tỷ đồng.
Về mức độ ảnh hưởng, BID, GVR, TCB và HPG là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với hơn 4 điểm tăng. Ở chiều ngược lại, VCB, FPT, VHM và LPB là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 3.9 điểm của chỉ số chung.
Ngành nguyên vật liệu là nhóm có đà tăng mạnh nhất với 2.14% chủ yếu đến từ các mã HPG (+2.06%), GVR (+3.03%), DGC (+1.04%) và VGC (+1.27%). Theo sau là ngành tiêu dùng không thiết yếu và ngành công nghiệp với mức tăng lần lượt là 1.53% và 1.5%. Ở chiều ngược lại, ngành công nghệ thông tin có mức giảm mạnh nhất thị trường với -1.1% chủ yếu đến từ mã FPT (-1.28%), CMT (-1.4%) và VTB (-2.75%).
Chiều nay, khối ngoại quay lại mua ròng hơn 466 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã VNM (281.43 tỷ), DGC (58.8 tỷ), MSN (51.37 tỷ) và SSI (42.33 tỷ). Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 38 tỷ đồng, tập trung vào mã IDC (12.96 tỷ), MBS (9.68 tỷ), SHS (5.37 tỷ) và VGS (3.66 tỷ).
Chứng khoán kết tuần với sắc xanh. (Ảnh minh họa: CafeF)
Sự hồi phục này hoàn toàn ngược chiều phiên sáng và đã ngắt xu hướng giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua (1/8).
Trước đó, chốt phiên sáng, sàn HoSE có 72 mã tăng và 347 mã giảm, VN-Index giảm 13,21 điểm (-1,08%), xuống 1.213,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 293 triệu đơn vị, giá trị 6.660,3 tỷ đồng, giảm 3,52% về khối lượng và 7,64% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,52 triệu đơn vị, giá trị 239,16 tỷ đồng.
Sàn HNX có 40 mã tăng và 107 mã giảm, HNX-Index giảm 2,37 điểm (-1,03%), xuống 226,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 23,89 triệu đơn vị, giá trị 416,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,42 triệu đơn vị, giá trị 103,96 tỷ đồng.
Sàn UPCoM-Index giảm 0,77 điểm (-0,83%), xuống 92,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,29 triệu đơn vị, giá trị 257,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 24,92 triệu đơn vị, giá trị 381,28 tỷ đồng, trong đó riêng HAC thỏa thuận hơn 23,24 triệu đơn vị, giá trị hơn 325,4 tỷ đồng.
Đà giảm tiếp tục kéo dài đến đầu phiên chiều, có lúc VN-Index mất hơn 17 điểm, trước khi dòng tiền mua chủ động xuất hiện.
Sau phiên mất gần 25 điểm hôm qua, nhiều ý kiến nhận định thị trường có thể phục hồi nhưng trong ngắn hạn vẫn tiềm ẩn nguy cơ giảm. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) nhấn mạnh: "Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư có thể vẫn ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và nên tạm thời dừng bán giai đoạn này”.
"Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm lý bình tĩnh, cơ cấu lại danh mục, loại bỏ những mã vi phạm ngưỡng cắt lỗ và chỉ duy trì những mã giữ vững xu hướng và chưa vi phạm quy tắc giao dịch nào. Thị trường hiện tại đang tương đối yếu do thiếu lực cầu nên nhà đầu tư hạn chế giải ngân mua mới trước khi có những tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn về xu hướng chung”, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - VCBS cũng khuyến cáo.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh của Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, trong ngắn hạn VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, hành động của phần đông nhà đầu tư tùy thuộc rất lớn vào tỷ trọng cổ phiếu và tiền, kèm theo đó là cổ phiếu nắm giữ.
"Với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh và lượng tiền mặt đang dư nhiều có thể cân nhắc mua dần khi cổ phiếu này chững lại đà giảm tại vùng hỗ trợ để tạo dấu hiệu đảo chiều.
Với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu lớn nhất là đang sử dụng đòn bẩy margin và nắm giữ cổ phiếu tốt chưa về vùng hỗ trợ mạnh, có thể bán trước một phần và mua lại sau. Nếu danh mục nhà đầu tư nắm giữ có kết quả kinh doanh quý II xấu và không có tiềm năng tăng trưởng trong quý III thì có thể cân nhắc cơ cấu sang cổ phiếu tốt khác", ông Quang nói.
Mặc dù vậy, phần lớn chuyên gia đều cho rằng, nguyên nhân khiến chứng khoán giảm mạnh trong phiên hôm qua là do tâm lý của giới đầu tư bị tác động tiêu cực và ngày càng lan rộng, chứ không phải do tin xấu từ kinh tế vĩ mô. Giai đoạn này nhiều người lo sợ thị trường giảm sâu, cùng với rủi ro địa chính trị quốc tế nên tâm lý, hành vi của nhà đầu tư khiến cổ phiếu tốt xấu, kết quả kinh doanh triển vọng thế nào cũng có thể bị bán mạnh.
Mặt khác, một số tin tức gần đây có thể khiến nhà đầu tư dao động như mặt bằng lãi suất tiết kiệm liên tiếp tăng, xu hướng giao dịch chưa rõ ràng của khối ngoại, bất ổn địa chính trị trên thế giới và lạm phát…