Sau khi tăng giảm điên cuồng, giá vàng thời gian gần đây khá ổn định. Đến cuối ngày 20/6, giá bán vàng miếng SJC vẫn được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC ở mức 75,98 triệu đồng/lượng. Từ đó, giá vàng trên thị trường ổn định ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Như vậy, tính từ đỉnh cao 92,4 triệu đồng/lượng được thiết lập hôm 10/5, mỗi lượng vàng miếng SJC đã giảm 15,5 triệu đồng và chỉ còn cách giá thế giới 3 - 4 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, ở thời điểm hiện tại, người dân có thể mua vàng như phương án bảo quản tài sản chứ không nên coi đây là một kênh đầu tư. Không nên giữ vàng một cách cực đoan vì cho rằng để lâu sẽ có lãi do vàng không thể trở thành một kênh đầu tư để sinh lợi nhuận cao.
Theo ông Lâm, hiện nay giá vàng thế giới đang biến động theo tình hình địa chính trị bất ổn. Ở thị trường trong nước, các kênh đầu tư như bất động sản, trái phiếu, chứng khoán vẫn chưa khởi sắc, lãi suất huy động cũng hạ thấp…Đây là những nguyên nhân khiến người dân có xu hướng đổ đi mua vàng.
Có nên đổi USD để mua vàng. (Ảnh: Công Hiếu).
“Trong bối cảnh hiện tại, ai cũng muốn tìm cách bảo quản tài sản, giữ nguyên giá trị tài sản của mình. Và từ đó, họ kéo nhau đi mua vàng như một phương án giữ tiền vì vàng sẽ không bị mất giá trị. Khi giá vàng trong nước được Chính phủ và NHNN can thiệp, bình ổn và kéo về gần với giá thế giới thì người dân đi mua vàng trong thời điểm này là có thể hiểu được", ông Lâm nói.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm khuyến cáo không nên mua vàng để đầu tư kiếm lời. Bởi từ trước tới nay, không ai nói rằng nên đầu tư vào vàng để kiếm lời thay vì đầu tư vào các kênh khác như bất động sản, trái phiếu…vì giá trị của vàng sẽ không tăng như các kênh đầu tư khác.
“Khi giá vàng tăng cao, người ta đầu tư để lướt sóng, hôm nay mua, ngày mai bán luôn để kiếm một chút lợi nhuận chứ không thể coi là hình thức đầu tư để kiếm tiền lâu dài”, ông Lâm nhận định.
Trong khi đó, tỷ giá giữa VND và USD đã tăng khá mạnh từ đầu năm đến nay, nhưng theo các chuyên gia, áp lực tăng tỷ giá sẽ giảm bớt.
Tính đến giữa tháng 6, tỷ giá USD/VND vẫn ổn định ở mức 25.443 VND/USD. Các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định việc tỷ giá có căng thẳng tiếp hay không sẽ phụ thuộc vào lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và xu hướng đồng USD. Với tình hình kinh tế hiện tại, VDSC cho rằng tỷ giá USD/VND có thể duy trì ở mức 25.500 VND/USD.
Chia sẻ tại diễn đàn về cố vấn tài chính mới đây, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, USD sẽ không còn tăng cao nữa mà sẽ giảm giá ít nhất từ nay đến hết năm 2027, chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đồng USD với các đồng tiền chủ chốt sẽ xoay quanh mức 95-105 điểm. Vì thế, tại Việt Nam, tỷ giá sẽ không vượt qua 26.000 VND/USD.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng, việc có nên đổi USD để mua vàng hay không tuỳ thuộc vào quyết định đầu tư của mỗi người. Tuy nhiên, cần theo sát diễn biến thị trường để có quyết định hợp lý. Và quan trọng nhất là không "bỏ trứng vào một giỏ" nhằm tránh sự thiệt hại lớn khi thị trường đảo chiều.