Thị trường bất động sản hạ nhiệt, trong lúc nhiều nhà đầu tư tháo chạy thì một bộ phận lại tranh thủ gom bất động sản chờ đợt sóng mới.
Khảo sát thị trường bất động sản thời điểm này, mặc dù lượng giao dịch giảm đáng kể và có dấu hiệu chững lại, việc các nhà đầu cơ cắt lỗ hay bán tháo bất động sản đã xảy ra nhưng chưa nhiều. Trên thị trường xuất hiện một lực lượng đầu tư mới cũng như các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã "lướt" qua được cơn sóng đất trước đó, tiếp tục đón bắt cơ hội đầu tư vào bất động sản lúc này.
Có nên chờ "bắt đáy" bất động sản?
Đánh giá về thị trường bất động sản trong thời điểm này, ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cho rằng, với tình hình dịch như hiện nay, có thể đến quý I hoặc quý II năm sau thị trường mới ổn định lại. Nhà đầu tư không dùng vốn vay thì yên tâm ngủ ngon vì sau dịch thị trường sẽ có khả năng phục hồi và tăng trưởng.
Còn nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính và khả năng nắm giữ dưới 3-6 tháng phải tính đến chuyện cơ cấu lại tài chính và không loại trừ khả năng nên mạnh dạn bán đi để tìm cơ hội khác sau khoảng 6-12 tháng nữa.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sàn Việt An Hòa, cho hay, nếu dịch bệnh kéo dài hơn thời hạn 1-2 tháng nữa thì nhà đầu tư bất động sản sẽ gặp khó khăn. Do đó, cuối tháng 8 đến tháng 9, đó là thời điểm để người mua có thể lựa chọn bất động sản vừa ý.
“Nếu bất động sản giảm giá 10-15% đó là mức giá hợp lý, có thể mua ngay trong tháng 8, tháng 9. Còn nếu dịch bệnh vẫn kéo dài hơn thì có thể đợi đến tháng 9, tháng 10, giá bất động sản có thể giảm nữa. Nhưng con số giảm bao nhiêu thì chưa biết, tôi nghĩ mức giảm giá cao nhất chỉ có thể giảm từ 10-20%”, ông Quang nhận định.
Theo vị chuyên gia này, hiện nay, các nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp hầu như đều nắm trong tay 4-5 sản phẩm nên chỉ bán ra 1 sản phẩm để có tiền mặt phòng ngừa rủi ro.
“Nếu muốn mua bất động sản tốt với giá thấp thì thời điểm này có thể lựa những sản phẩm bất động sản có giá trên 20 tỷ đồng bởi loại sản phẩm này người bán thường sẵn sàng giảm giá mạnh, rất dễ thương lượng, có thể giảm 10-15% rất nhanh”, ông Quang cho hay.
Cũng theo ông Quang, hiện những sản phẩm bất động sản có giá trên 20 tỷ đồng trên thị trường hiện đang rao bán với mức giá giảm khoảng 5-7%.
“Đối với đất nền, nhà liền thổ thì tôi chưa thấy có hiện tượng ‘cắt lỗ’, chỉ có hiện tượng giảm giá. Nếu dịch bệnh kéo dài thêm 4-5 tháng nữa, lúc đó mới có chuyện ‘cắt lỗ’ trên thị trường. Chuyện ‘cắt lỗ’ này sẽ rơi vào các dự án, nhất là phân khúc căn hộ chung cư bởi căn hộ phải đóng tiền theo tiến độ 2-3 tháng một lần nên áp lực rất lớn”, ông Quang nói.
Còn theo 1 lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội, trong thời gian tới sẽ có một số ít chủ đất chấp nhận cắt lỗ khi không chịu được áp lực trả nợ nhất là khi đến kỳ tăng lãi suất vay, nên sau đợt COVID thứ 4, sẽ có các nhà đầu cơ rời khỏi thị trường làm lực cầu đầu tư có thể giảm tại các khu vực đã từng có sốt đất.
Tuy nhiên, phân khúc đất nền tại các thành phố lớn sẽ không có đợt giảm giá hay cắt lỗ một cách ồ ạt trong năm 2021 bởi nhu cầu thực về loại hình bất động sản này vẫn rất cao. Thực tế, tại các thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh khiến các khu đô thị tại đây có xu hướng mở rộng về mặt diện tích để đáp ứng được nhu cầu về bất động sản ngày càng cao.
"Việc bán cắt lỗ có thể xảy ra ở một số tỉnh thành lân cận TP.HCM và Hà Nội. Điều này bắt nguồn từ việc nhu cầu thực về đất nền ở đây không quá cao", vị lãnh đạo này chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam lại cho rằng, việc chờ giá bất động sản xuống để ‘bắt đáy” là khó, trừ một số trường hợp nhà đầu tư lỡ rót tiền vào dòng sản phẩm cao cấp quá lâu mà thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì bị áp lực tín dụng, áp dụng trả nợ buộc họ phải bán rẻ, phải ‘cắt lỗ’. Nhưng một số trường hợp này thì không phản ánh bản chất thật của toàn thị trường bất động sản.