Cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh của trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ được tổ chức giáo dục Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020.
“Hôm nay các em muốn đi đâu? Chúng ta hãy cùng dạo quanh một vòng và gặp gỡ các bạn tại khu ổ chuột, thành phố Mumbai, đất nước Ấn Độ nhé. Các em đã sẵn sàng giới thiệu đất nước Việt Nam đến các bạn ở Ấn Độ chưa?”.
Đây là cách cô giáo Hà Ánh Phượng mở đầu một tiết học tiếng Anh tại trường Trung học Phổ thông Hương Cần (huyện Hương Sơn, tỉnh Phú Thọ).
Hưởng ứng lời cô giáo, học sinh Việt Nam trong những bộ trang phục truyền thống bắt đầu gửi lời chào đến các bạn Ấn Độ. Tất cả được kết nối thông qua một chiếc máy tính nhỏ bằng tài khoản skype của Diễn đàn Giáo viên toàn cầu.
Với chiếc máy tính này, cô Hà Ánh Phượng đưa học sinh của trường du lịch khắp năm châu bốn bể. Mô hình này được gọi là Những tiết học tiếng Anh xuyên biên giới.
Cô giáo “trường làng” dạy tiếng Anh khắp thế giới
Suốt buổi học ngày hôm đó, các bạn học sinh trường cấp III Hương Cần hào hứng múa hát, giới thiệu những món ăn đặc sản, trang phục truyền thống…của Việt Nam. Đầu cầu bên kia, các bạn nhỏ trong khu ổ chuột Mumbai thân thiện hát những bài hát Ấn Độ truyền thống.
Cô Hà Ánh Phượng vui vẻ theo điệu nhạc nhưng cũng không quên nhiệm vụ chính – giảng dạy. Nhiều câu hỏi được cô Phượng đặt ra để học sinh hai quốc gia có thể tương tác, giao lưu với nhau bằng tiếng Anh. Sai ở đâu cô chỉnh ở đó. Nhờ thế mà những tiết học tiếng Anh xuyên biên giới trở thành tiết học mà các bạn học sinh mong chờ nhất.
Cô Phượng cùng học trò trong một lớp học "xuyên biên giới". (Ảnh: V.N)
Những học sinh người Mường tự hào giới thiệu bản sắc, văn hóa quê hương. Còn đầu dây bên kia là những tiếng cười, những tràng vỗ tay thích thú. Khoảng cách về địa lý, màu da…được xóa nhòa bởi tinh thần giáo dục bác ái, nhân văn.
Phương pháp giảng dạy mới này được nữ giáo viên tiếp cận từ 4 năm trước, nhưng năm 2018 cô mới đưa vào giảng dạy tại trường THPT Hương Cần và cô là một trong những giáo viên đầu tiên tại Việt Nam sử dụng trong các giờ học tiếng Anh.
So với phương pháp dạy tiếng Anh khác, phương pháp này chỉ cần một chiếc laptop, một tài khoản skype của Diễn đàn Giáo viên toàn cầu là có thể kết nối với học sinh, giáo viên trên toàn thế giới.
Khi lồng ghép việc dạy học tiếng Anh với các lớp học xuyên biên giới, các em học sinh rất thích thú. Ban đầu nhiều em còn rụt rè, thiếu tự tin nhưng bây giờ các em đã có thể giao tiếp thoải mái với các bạn nước ngoài. Tiết học xuyên biên giới còn giúp khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong học sinh.
Cô Hà Ánh Phượng là giáo viên đầu tiên của tỉnh Phú Thọ áp dụng hình thức giảng dạy này. (Ảnh:V.N).
Giấc mơ vươn ra thế giới
Ngày 11/11/2020, cô Hà Ánh Phượng được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 – Giải thưởng được ví như giải Nobel của ngành giáo dục. Đặc biệt, cô Phượng cũng là giáo viên Việt Nam đầu tiên nhận được vinh dự này.
“Đó là niềm vinh hạnh vô cùng to lớn. Nhìn lại hành trình nhìn từ vườn chuối ra thế giới, bắt đầu theo đuổi ngành Sư phạm rồi lọt top 50, top 10…quả thực như một giấc mơ mà trước đây tôi chưa bao giờ dám mơ", cô Hà Ánh Phượng xúc động nói.
Nhìn lại hành trình nhìn từ vườn chuối ra thế giới, bắt đầu theo đuổi ngành Sư phạm rồi lọt top 50, top 10…quả thực như một giấc mơ mà trước đây tôi chưa bao giờ dám mơ"
Cô giáo Hà Ánh Phượng
Thành công mà nữ giáo viên trẻ có được là thành công chung của tất cả giáo viên, học sinh tại trường Trung học Phổ thông Hương Cần và cũng là màu cờ sắc áo, vị thế của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.
Năm 2009, khi đó cô Phượng ghi danh tên mình vào giải thưởng Hoa Trạng Nguyên – Giải thưởng nhằm vinh danh những gương mặt học sinh xuất sắc nhất khối Trung học phổ thông trên cả nước. Cùng năm này, cô Phượng thi đỗ trường Đại học Hà Nội với đam mê cháy bỏng trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh để có cơ hội dạy cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số tại quê hương.
Năm 2016, cô Phượng hoàn thành xong chương trình thạc sỹ, xung phong về trường THPT Hương Cần theo diện thu hút nhân tài của tỉnh Phú Thọ. Đây là một ngôi trường miền núi với tỷ lệ 80% học sinh là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người dân tộc Mường).
Suy nghĩ đầu tiên của cô khi bước chân về nhận công tác tại nơi đây là làm sao giúp các em học sinh cảm thấy hào hứng, vui vẻ trong những tiết học tiếng Anh. Nghĩ là làm, trong nhiều năm cô năng động, tìm tòi các phương pháp dạy tiếng Anh khác nhau để lôi cuốn học sinh.
Nhờ nỗ lực không mệt mỏi và tấm lòng chân thật, cô đã nhận "hoa thơm, trái ngọt". Đó là những dự án cộng đồng và các giải thưởng mà cô nhận được.
Cô Phượng chia sẻ đây là cuộc hành trình từ vườn chuối vươn ra thế giới mà cô rất tự hào. (Ảnh:V.N)
Triết lý giáo dục ấm áp tình yêu thương
Em Lê Huyền Trang (học sinh lớp 12A, trường Trung học Phổ thông Hương Cần) thư ký nhóm dự án “Nói không với ống hút nhựa” cho biết, bên cạnh các tiết học tiếng Anh xuyên biên giới, cô Phượng thường xuyên tổ chức các dự án cộng đồng như: Nói không với ống hút nhựa, dạy học tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo…
Thông qua những dự án này, cô mong muốn học sinh có tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, gắn học đi đôi với hành. "Chúng em học từ cô Phượng không chỉ là kiến thức sách vở mà còn là cách sống, tinh thần giáo dục và trách nhiệm của người trẻ”, Trang nói.
Tinh thần giáo dục của cô Hà Ánh Phượng gói gọn trong 3 từ “không biên giới”. Giáo dục giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, văn hóa, màu da, dân tộc…Giáo dục vươn đến những vùng khó khăn, nghèo đói. Giáo dục bình đẳng, không ai bị bỏ lại phía sau.
“Thế hệ chúng tôi không có điều kiện và may mắn được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền giáo dục khác nhau. Vì thế tôi luôn mong muốn các em học sinh của mình có nhiều cơ hội hơn để làm giàu vốn tri thức, văn hóa, nếp sống…trở thành những công dân toàn cầu trong thời đại mới”,Cô Phượng chia sẻ.