Cô giáo Hà Ánh Phượng (SN 1991 ở Thanh Sơn, Phú Thọ) vừa được Tổ chức Varkey Foundation công bố là 1 trong 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. Cô cũng là người Việt Nam duy nhất được tổ chức này ghi nhận. Giải thưởng được coi như “giải Nobel” về giảng dạy để ghi nhận công lao nổi bật của giáo viên trên toàn thế giới.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc tỉnh Phú Thọ, Hà Ánh Phương từ lớp 6 đến lớp 12 theo học trường nội trú của huyện và tỉnh. Từ năm lớp 6, 9x rất thích môn tiếng Anh và quyết định phải trở thành giáo viên tiếng Anh giỏi, trở về dạy học sinh tỉnh nhà. (Ảnh: NVCC)
Năm 2009, cô Phượng trúng tuyển vào Đại học Hà Nội. Suốt bốn năm học, cô gái Mường đi dạy gia sư, làm việc ở trung tâm tiếng Anh rồi làm phiên dịch cho nhiều sự kiện. Trong một lần tham gia phiên dịch hồi năm cuối đại học, nhờ khả năng tiếng Anh cùng kiến thức về dược do mẹ làm trong lĩnh vực này, Phượng được một công ty dược của Pakistan mời làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch với mức lương hấp dẫn. Nhưng không chút phân vân, cô từ chối để học tiếp cao học ngành Sư phạm tiếng Anh. (Ảnh: NVCC)
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, năm 2016, Phượng quyết định về quê nhà, xin vào trường THPT Hương Cần ở huyện Thanh Sơn để dạy học. Ngay khi về ngôi trường giữa vùng núi, không có khách du lịch, học sinh, phụ huynh không chú trọng môn tiếng Anh, cô Phượng luôn trăn trở làm sao để các em có cơ hội giao tiếp với những giáo viên nước ngoài uy tín. (Ảnh: NVCC)
Những "Lớp học xuyên biên giới" do cô Phượng chủ trì ra đời. Cô dành hơn một năm để nghiên cứu đề tài về mô hình lớp học này thông qua Skype và nhiều ứng dụng khác, tạo ra các nhóm phát triển chuyên môn gồm các thầy cô tiếng Anh trên thế giới. Cô Phượng quan niệm "khi thầy cô thay đổi, học sinh sẽ thay đổi". Ngoài áp dụng công nghệ thông tin, cô sáng tạo cách dạy học mới như dạy qua phim ảnh, dự án. Cô cũng tổ chức dạy học online ngay từ khi phương pháp này chưa được nhắc tới nhiều tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
Cùng với đó, cô Phượng cũng tham gia với một nhóm giáo viên chuyên môn tham gia dạy trực tuyến miễn phí cho trẻ em ở nhiều quốc gia. Sáng chủ nhật hàng tuần, cô cùng một giáo viên Ấn Độ chia nhau ra dạy cho trẻ em ở các khu ổ chuột tại Ấn Độ. Cô cũng dành thời gian dạy văn hóa Việt Nam cho những đứa trẻ gốc Việt ở California (Mỹ). (Ảnh: Báo Nhân dân)
“Có một câu nói rất hay, đó là: Người dạy là người không bao giờ ngừng học. Đây cũng là điều mà tôi luôn tâm niệm để cố gắng nhiều hơn nữa nhằm giúp học sinh của mình, những em người dân tộc thiểu số, những em không có cơ hội học tập tốt như các bạn ở thành phố vẫn có thể trở thành công dân toàn cầu trong tương lai”, cô Phượng cho biết. (Ảnh: NVCC)
Một giờ giảng bài của cô Hà Ánh Phượng. (Ảnh: GDTĐ)
Cô giáo Hà Ánh Phượng từng giành Học bổng Hoa Trạng Nguyên - dành cho thủ khoa tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2009. Cô cũng là 1 trong 14 sinh viên châu Á năm 2011 đạt học bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng. (Ảnh: NVCC)
Cô là giáo viên người dân tộc với những sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục. Mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế đem học sinh dân tộc kết nối với quốc tế để trở thành những công dân toàn cầu. (Ảnh:NVCC)