Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Kinh tế hồi phục mạnh, doanh nghiệp vẫn gặp khó

(VTC News) -

Đó là nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn “Kinh tế Việt Nam năm 2023 - Cùng doanh nghiệp vượt sóng” do VCCI tổ chức chiều 17/11.

Cụ thể, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn hồi phục khá ấn tượng sau đại dịch COVID-19 và được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

“Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” 13,7% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022, cao nhất Đông Nam Á”, ông Phòng nói.

Các đại biểu tham gia diễn đàn.

Tuy nhiên, ông Phòng cũng thông tin, bình quân mỗi tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận xét thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, kinh tế thế giới diễn biến khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng (áp lực lạm phát toàn cầu; USD quốc tế tăng giá mạnh; Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn; xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới; căng thẳng Nga - Ukraine...). Điển hình, giá cả xăng dầu, vật tư xây dựng...tiềm ẩn phức tạp, chuỗi cung ứng quốc tế chậm phục hồi đã tác động mạnh đến việc kiểm soát lạm phát tại các nước, đặt ra những thách thức cho hoạt động của doanh nghiệp.

Cũng nhấn mạnh những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói: “Đây là những khó khăn rất lớn với doanh nghiệp trong năm 2023. Tôi nghĩ rằng là doanh nghiệp nói riêng và toàn thể đất nước nói chung phải có những giải pháp, phương hướng cụ thể thì mới có thể vượt qua những khó khăn đó và tận dụng cơ hội, thời cơ mà khó khăn mang lại”.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, trong văn bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.

VCCI mong muốn doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP. Hiện tại, con số đóng góp mới khoảng 9% GDP. Đặc biệt, doanh nghiệp cần phát triển theo hướng phát triển bền vững, đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn.

“VCCI cũng đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất: Tỷ lệ nội địa hoá các ngành tăng thêm 10% tới năm 2025. Nhưng để đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp, VCCI cũng mong muốn năm 2025, tỷ lệ lao động có kỹ năng tăng 10 bậc so với hiện tại theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF (hiện Việt Nam xếp hạng 93/141 quốc gia); tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%”, ông Phòng nêu.

Ông Hoàng Quang Phòng phát biểu tại diễn đàn.

Theo VCCI, 2023 là năm sơ kết, đánh giá giữa kỳ các kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, tài chính công… Các kết quả đạt được của năm 2023 sẽ là cơ sở quan trọng để nước ta tiếp tục phấn đấu thực hiện các mục tiêu 5 năm đã đề ra. Tuy nhiên, sơ bộ đánh giá cho thấy năm 2023 cũng là năm dự kiến có rất nhiều khó khăn, thách thức, cả quốc tế và trong nước.

Còn TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là thị trường tài chính và tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua vẫn kiên định với chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và đồng bộ. Trong đó, ưu tiên số một của NHNN là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo đã phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều những khó khăn, thách thức.

Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, NHNN tiếp tục chủ động điều chỉnh lãi suất linh hoạt, điều hành tỷ giá, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, tín dụng được điều hành vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ nhằm phục hồi kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng song không chủ quan với rủi ro lạm phát.

“Việc tăng lãi suất điều hành của NHNN thời gian qua phù hợp diễn biến lạm phát thị trường trong và nước ngoài. Dù tăng lãi suất điều hành nhưng NHNN luôn yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên”, ông Hùng nói.

Còn TS Trần Thị Hồng Minh cho rằng, chúng ta có thể sử dụng những lợi thế thị trường của các nước đang phục hồi, đặc biệt là những nước có mối quan hệ thương mại với Việt Nam để tăng cường xuất khẩu.

“Chúng ta cũng là thành viên của một số hiệp định thương mại thế hệ mới, rất quan trọng, ví dụ như EVFTA hay Hiệp định CPTPP hay gần đây là Hiệp định RCEF… Đó là cơ sở hết sức thuận lợi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu cũng như là mở rộng sản phẩm hàng hóa”, bà Minh nói.

PHẠM DUY

Tin mới