Theo Giáo sư Karl Lauterbach, biến chủng mới có thể là một tín hiệu tích cực nếu nó gây ra bệnh nhẹ hơn.
Ông Lauterbach lưu ý việc Omicron có tới 32 đột biến gai, nhiều hơn gấp đôi so với Delta đồng nghĩa nghĩa nó có thể được tối ưu hóa để lây nhiễm nhưng ít gây bệnh nặng hơn. Điều này cũng phù hợp với cách mà hầu hết các virus hô hấp phát triển.
Trước đó, các chuyên gia Nam Phi cũng khẳng định Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến chủng trước đây.
Chuyên gia Đức cho rằng Omicron có thể khiến đại dịch kết thúc sớm hơn. (Ảnh: Reuters)
Giáo sư Salim Abdool Karim, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Nam Phi khẳng định các vaccine hiện tại nhiều khả năng vẫn có hiệu quả cao với biến chủng Omicron.
Ông Karim cũng lưu ý còn quá sớm để nói Omicron có dẫn đến các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng hơn các biến thể trước đó hay không.
Biến chủng Omicron được WHO xếp vào nhóm "đáng quan ngại" được phát hiện lần đầu ở Botswana hôm 9/11. Chỉ sau 2 tuần, biến thể này lây lan tới hơn 10 quốc gia.
Với 32 đột biến ở protein gai, Omicron được đánh giá là biến chủng COVID-19 nguy hiểm nhất từ trước tới nay và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (được cho là lây lan nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta).
Các nhà khoa học cho biết sẽ mất tới vài tuần để đánh giá liệu hiệu quả của các loại vaccine COVID-19 hiện hành có bị suy giảm trước Omicron hay không.
Sự xuất hiện của Omicron khiến hàng loạt các nước đóng cửa biên giới để ngăn biến chủng này xâm nhập.
WHO cho biết sự xuất hiện của Omicron là lời cảnh tỉnh COVID-19 vẫn chưa kết thúc.
“Sự xuất hiện của biến thể Omicron nhấn mạnh tình hình của chúng ta đang nguy hiểm và bấp bênh như thế nào", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.