"Viện Gamaleya tin rằng Sputnik V và Sputnik Light sẽ vô hiệu hóa biến chủng Omicron vì chúng đạt hiệu quả cao nhất với các biến chủng khác", Kirill Dmitriev - giám đốc RDIF, cơ quan phụ trách quảng bá vaccine Sputnik ra nước ngoài cho biết.
Ông Dmitriev nói thêm rằng trong trường hợp cần thiết, Nga có thể cung cấp hàng trăm triệu liều vaccine Sputnik tăng cường để chống lại Omicron.
Biến chủng Omicron được WHO xếp vào nhóm "đáng quan ngại" được phát hiện lần đầu ở Botswana hôm 9/11. Chỉ sau 2 tuần, biến thể này lây lan tới hơn 10 quốc gia.
Nga khẳng định vaccine Sputnik vẫn hiệu quả trước biến chủng Omicron. (Ảnh: Reuters)
Với 32 đột biến ở protein gai, Omicron được đánh giá là biến chủng COVID-19 nguy hiểm nhất từ trước tới nay và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (lây lan nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta).
Các nhà khoa học cho biết sẽ mất tới vài tuần để đánh giá liệu hiệu quả của các loại vaccine COVID-19 hiện hành có bị suy giảm trước Omicron hay không.
Sự xuất hiện của Omicron khiến hàng loạt các nước quan ngại và làm biến động thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, Điện Kremlin cho rằng cần có thêm dữ liệu trước khi đưa ra kết luận về biến chủng mới.
"Phản ứng trên các thị trường đang rất cảm tính mà không dựa trên bằng chứng khoa học. Cả thế giới vẫn đang cố gắng tìm hiểu chủng mới nguy hiểm thế nào", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.
Hồi tháng 6, Viện Gamaleya tuyên bố vaccine Sputnik V có hiệu quả khoảng 90% đối với biến chủng Delta.
Trong công bố hồi tháng 10, đại diện RDIF cho biết vaccine Sputnik Light một liều cho hiệu quả phòng lây nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 là 70% trong vòng 3 tháng sau khi tiêm.
Sputnik Light là một thành phần của vaccine 2 liều Sputnik V. Sau khi đăng ký ngày 6/5 tại Nga, vaccine này đã được nhiều nước cấp phép sử dụng.