Thông tin trên được ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thông tin tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức ngày 11/7.
Ông An cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Canada, Pháp và những quốc gia đang phát triển như Indonesia, Philippine, Brazil, việc huy động nguồn lực xã hội thông qua phương thức đối tác công tư đã được áp dụng từ lâu và đóng góp đáng kể cho việc phát triển hạ tầng xã hội của mỗi quốc gia.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP số lượng dự án còn ít. (Ảnh minh họa)
Ở trong nước, những năm qua, việc triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước. Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư truyền thống bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước thông qua cơ chế PPP đã góp phần thay đổi hình ảnh của các địa phương, cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng.
“Hàng nghìn tỷ đồng vốn từ nhân đã được huy động để xây dựng quốc lộ, đường cao tốc, nhà máy điện và nhiều dự án góp khác góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, ông An nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo ông An, việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng xã hội theo phương thức đối tác công tư ở Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc, chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư PPP nói chung và việc triển khai các dự án PPP mới.
“Số lượng các dự án mới được triển khai theo quy định của Luật PPP vẫn còn hạn chế, đa phần đều là các dự án chuyển tiếp, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giao thông, ít được triển khai trong các lĩnh vực khác. Điều này cho thấy, nguồn lực đầu tư công chưa thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt, làm “vốn mồi” để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng”, ông An nói.
PGS.TS Trần Duy Nghĩa, chuyên gia tư vấn ADB, Đại học Fulbright Việt Nam phân tích, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường tập trung lĩnh vực năng lượng. Bởi đầu tư PPP trong lĩnh vực năng lượng có chính sách rất rõ ràng, không “bùng nhùng” như với các dự án giao thông, đường sá. "Nếu muốn thúc đẩy PPP cần chia sẻ những rủi ro có thể xuất hiện”, ông Nghĩa nói.
Bà Đỗ Thị Bích Hồng, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến hết quý I/2023 dư nợ cho vay đối với các dự án đầu tư BOT, BT khoảng 92 nghìn tỷ đồng. Đây là con số còn khiêm tốn.
Về nguyên nhân khiến vốn đổ vào các dự án này còn hạn chế, theo bà Hồng có yếu tố từ việc các dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Ngân hàng khi cho vay phải tính đến bài toán có lời và giảm thiểu rủi ro. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp tham gia vào các dự án còn hạn chế, vốn góp của họ chỉ chiếm 20%, trong đó phần lớn là vốn vay trong khi dòng tiền không ổn định. Khi khó khăn nhất thời điểm dịch COVID-19 thì dòng thu phí của các dự án BOT giảm 30-40%”, bà Hồng phân tích.
Từ đó đưa ra giải pháp, bà Hồng kiến nghị, phải có cơ chế rõ ràng chia sẻ rủi ro giữa khu vực tư nhân và Nhà nước. Bởi vậy vấn đề đặt ra cần có quỹ chung. Thời gian tới cần quan tâm tới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó vốn ngân hàng là quan trọng, hỗ trợ cho việc cho vay. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước quan tâm tới việc rủi ro và chia sẻ rủi ro nên cần hoàn thiện hơn về khuôn khổ pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo.
“Phải rõ ràng cơ chế, trách nhiệm giữa các bên. Trong quá trình xử lý các vướng mắc cần sự tham gia của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trực tiếp cho vay các dự án để họ có thể nghe vướng mắc từ đâu để tháo gỡ các khó khăn trong xử lý dòng tiền để đảm bảo khả năng trả nợ cho các dự án", bà Hồng nêu vấn đề.
Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, cần hoàn thiện hàng lang pháp lý, nhất là dự án PPP đang gặp khó khăn trong thay đổi tư duy.
“Cần tháo gỡ những vướng mắc về thực hiện PPP trong các lĩnh vực hạ tầng kinh tế xã hội để tạo niềm tin trong thị trường, trong đó cần chú ý đến vai trò của truyền thông để chính sách đi vào cuộc sống”, bà Vũ Quỳnh Lê nói.