Theo mô hình dự đoán của Alex Cook - phó hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock (Singapore), số ca COVID-19 mới trong ngày của nước này sẽ lên tới 5.000 ca/ngày vào tuần sau. Nếu tốc độ lây nhiễm duy trì như hiện tại, con số này có thể tăng gấp đôi lên 10.000 ca/ngày một tuần kế đó.
Hôm 1/10, Singapore ghi nhận kỷ lục 2.909 ca mắc COVID-19, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp đảo quốc sư tử có hơn 2.000 ca bệnh.
Mặc dù tiêm phòng đầy đủ cho gần 82% dân số, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 khiến chính phủ Singapore phải thắt chặt biện pháp giãn cách xã hội từ đầu tuần này.
Mô hình dự đoán mới cho thấy Singapore có thể ghi nhận 10.000 ca COVID-19/ngày. (Ảnh: Reuters)
Theo đó, giới chức Singapore thông báo áp dụng cơ chế làm việc mặc định tại nhà, chỉ cho phép tối đa 2 người dùng bữa tại nhà hàng, học sinh tiểu học phải chuyển sang học trực tuyến, nhân viên công sở làm việc tại nhà.
Các biện pháp này bắt đầu có hiệu lực từ 27/9 và kéo dài khoảng một tháng.
Khi ca bệnh tiếp tục tăng nhanh, các chuyên gia y tế kêu gọi giới trách Singapore hạn chế xét nghiệm với người mắc COVID-19 không triệu chứng và các trường hợp đã tiêm đủ vaccine.
Lý do mà họ đưa ra là việc tập trung xét nghiệm diện rộng và đưa những bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không triệu chứng tới các bệnh viện hay cơ sở y tế sẽ làm gia tăng áp lực cho các cơ sở này. Đồng thời, nó làm tăng nguy cơ với các bệnh nhân nặng và cần chăm sóc hơn những người có triệu chứng nhẹ.
Theo ông Cook, xét nghiệm diện rộng chỉ phù hợp ở giai đoạn đầu của dịch bệnh khi Singapore áp dụng chiến lược "Không COVID-19". Ở thời điểm hiện tại khi số ca bệnh tăng mạnh cùng với tỷ lệ tiêm chủng cao, ông này cho rằng việc xét nghiệm như vậy là không cần thiết.
Singapore là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên theo đuổi chiến lược sống chung với COVID-19.
“Về mặt lý thuyết, chính phủ đang từ bỏ chiến lược “Không COVID-19”, nhưng hành động của họ lại cho thấy sự do dự”, ông Paul Tambyah – Chủ tịch Đảng Dân chủ Singapore, đồng thời là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho hay.
Ông Ooi Eng Eong – giáo sư nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mới thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng để cho virus lây chậm trong dân số "không nhất thiết là một điều tồi tệ".
Theo chuyên gia này, Singapore có thể gặt hái được những lợi ích từ việc để dịch bệnh lây nhiễm một cách tự nhiên - điều mà một số khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ đã để xảy ra, nhưng theo chiều hướng ngược lại.
“Thay vì để dịch bệnh lan rộng rồi mới tiêm phòng, chúng tôi thực hiện tiêm phòng trước rồi để dịch lây nhiễm tự nhiên. Tôi nghĩ điều này còn tốt hơn vì phần lớn các ca mắc sẽ đều rất nhẹ”, ông Eong cho biết.