Ngay khi số ca COVID-19 bắt đầu ổn định và tỷ lệ tiêm vaccine tăng lên, Hàn Quốc thông báo sẽ tạo “bong bóng du lịch” với các nước khác để khôi phục ngành công nghiệp không khói. Các hãng hàng không và trang đặt vé dự đoán nhu cầu du lịch của hành khách đã tiêm chủng sẽ tăng mạnh, và các cửa hàng miễn thuế cũng chuẩn bị mở cửa.
(Ảnh: Bloomberg)
Các quan chức Hàn Quốc khi đó nói kế hoạch có thể được khởi động sớm nhất vào tháng 7. Tháng 6, họ chỉ đón được 127.090 lượt khách quốc tế. Trong khi đó trước đại dịch, họ có gần 3 triệu lượt khách một tháng.
Hãng hàng không giá rẻ Jeju Air thông báo khôi phục chuyến bay đến Saipan và Guam, hai điểm đến nổi tiếng với những người thích đi du lịch bãi biển.
Nhưng tất cả hy vọng khôi phục du lịch hàng không ở Hàn Quốc tan biến nhanh chóng khi làn sóng COVID-19 mới quay lại, với biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn. Không chỉ có vậy, nước này cũng gặp tình trạng thiếu vaccine.
Chấp nhận đánh đổi
Kịch bản tương tự đã diễn ra với nhiều nước châu Á. Các hãng hàng không phải lùi kế hoạch tái mở cửa trong khi chính phủ căng thẳng kiềm chế dịch bệnh. Số lượt khách du lịch chạm đáy ở khắp mọi nơi và hàng không chủ yếu dựa vào các chuyến bay chở hàng.
Nhiều người đã nhận ra, tái mở cửa sẽ không chỉ đơn thuần là khôi phục các chuyến bay, mà còn là chấp nhận đánh đổi – khôi phục mạng lưới trong nguy cơ số ca bệnh tăng cao (dù vaccine đã giảm nguy cơ lây nhiễm).
Đảo Langkawi, Malaysia đón chuyến bay chở những người đã tiêm vaccine đầu tiên vào 16/9. 159 người từ Kuala Lumpur hạ cánh xuống hòn đảo để tận hưởng kỳ nghỉ sau hàng tháng chịu các biện pháp phong tỏa. Langkawi đang nhắm đến mục tiêu 400.000 hành khách từ giờ đến cuối năm, và hy vọng họ sẽ đạt mức chi tiêu khoảng 165 triệu ringgit (khoảng 39 triệu USD).
Hòn đảo chưa nhận khách du lịch nước ngoài, dù sân bay quốc tế Langkawi và sân bay quốc tế Kuala Lumpur vừa được Hội đồng sân bay quốc tế (ACI) xếp hạng là sân bay số một thế giới trong quý 2/2021.
Sân bay ở Hong Kong. (Ảnh: Bloomberg)
Trong khi đó, Thái Lan mở cửa hai quần đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng, Phuket và Koh Samui, đầu tháng 7, cho phép hành khách quốc tế đã tiêm vaccine đến thăm mà không cần cách ly. Nước này dự định mở rộng mô hình cho cả nước, song kế hoạch cũng bị làn sóng Delta mới cản trở.
Chương trình tiêm vaccine COVID-19 của Thái Lan thì diễn ra khá chậm chạp. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã cam kết mở cửa nước này trong tháng 10, dù mới chỉ khoảng 25% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Công ty Sân bay Thái Lan (AOT), một công ty do nhà nước sở hữu, chịu thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch. Doanh thu công ty đã giảm 87,7% trong 9 tháng tính đến 30/6.
Trước đại dịch, năm 2019, sân bay Suvarnabhumi, Bangkok phục vụ được cho 53,5 triệu hành khách quốc tế. Còn trong 7 tháng đầu năm nay, sân bay chỉ có 527.411 hành khách quốc tế.
Sân bay quốc tế Hong Kong (HKIA) cũng không biết đến bao giờ mới lấy lại “phong độ” trước đây.
Lưu lượng hành khách tại sân bay đã giảm từ 75,1 triệu trong năm tài chính 2018/19 xuống 60,9 triệu trong 2019/20 và 800.000 vào 2020/21. Cùng lúc, doanh thu giảm từ 19,5 tỷ HKD (2,5 tỷ USD) xuống 17,1 tỷ HKD (2,1 tỷ USD) và 5,3 tỷ HKD (680 triệu USD).
"Không-COVID" là không thực tế
Ông Shukor Yusof, người đứng đầu công ty tư vấn hàng không Endau Analytics, nói với The Straits Times: "Chủ trương không COVID mà Hong Kong đang thúc đẩy là không thực tế".
Ông nói thêm rằng đại dịch sẽ để lại thiệt hại không thể khắc phục trên toàn thế giới. Nhưng tình hình có thể còn trầm trọng hơn đối với những nơi không muốn điều chỉnh và cân bằng rủi ro dịch bệnh với việc mở cửa trở lại thị trường.
Sân bay Hong Kong.
Nhà phân tích hàng không Brendan Sobie cho biết sự hồi sinh của các trung tâm hàng không quốc tế "là một câu hỏi đặt ra với việc quốc gia nào mở cửa trở lại nhanh hơn, chứ không phải sân bay nào mở cửa trở lại nhanh hơn".
Ông giải thích: "Nếu Thái Lan mở cửa biên giới nhanh hơn và khách du lịch đến Thái Lan sớm hơn - mặc dù họ có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn Singapore - rõ ràng, giao thông (hàng không) ở Bangkok sẽ phục hồi nhanh hơn ở Singapore".
Trong khi đó, theo chuyên gia, sân bay quốc tế ở Dubai hiện có nhiều lưu lượng giao thông hơn vì là trung tâm trung chuyển đến các thị trường đã mở cửa trở lại, chẳng hạn như châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Bên cạnh đó, ông Sobie chỉ ra rằng việc hãng hàng không chính tại một trung tâm hàng không có thể khôi phục các dịch vụ của mình sẽ quyết định sự phục hồi của cả trung tâm hàng không, khi biên giới khu vực được mở lại.
Ví dụ, sự phục hồi của sân bay Changi sẽ gắn liền với Singapore Airlines.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý rằng việc lựa chọn sân bay không phải là khía cạnh khách hàng quan tâm, mà họ sẽ lựa chọn điểm đến.