Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghịch lý nước giàu 'bo bo giữ của', nước nghèo đổ bỏ vaccine COVID-19

(VTC News) -

Những rào cản về pháp lý, cơ sở vật chất y tế khiến nhiều nước giàu đắn đo trong việc chia sẻ vaccine COVID-19 tới các nước nghèo.

Khi chiếc máy bay thương mại chở 2,5 triệu liều vaccine Moderna cất cánh từ Dallas (Mỹ) đến Islamabad, Pakistan hồi cuối tháng 6, các quan chức Mỹ thở phào vì hàng loạt các khó khăn trong quá trình đưa số vaccine này tới quốc gia Nam Á cuối cùng cũng kết thúc. 

Nhiêu khê nhiều thủ tục

Lô vaccine nằm trong chương trình viện trợ của cơ chế COVAX trên là một phần trong cam kết chia sẻ 80 triệu liều vaccine COVID-19 của Mỹ với hơn 50 quốc gia. 

Khoảng 75% trong số 80 triệu liều vaccine được chuyển tới các nước thông qua COVAX. Phần còn lại được chia sẻ trực tiếp, thông qua các thỏa thuận song phương.

Quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad phải làm việc với các cơ quan quản lý nước sở tại để đánh giá xem xét của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm về vaccine. Trong khi đó, cơ quan quản lý Pakistan phải kiểm duyệt và đánh giá nguyên liệu trên lô vaccine và nhà máy sản xuất chúng trước khi phân phối cho dân. 

Lô vaccine Mỹ viện trợ Pakistan được bốc dỡ tại Sân bay Quốc tế Islamabad. (Ảnh: Đại sứ quán Mỹ ở Pakistan)

Sau khi đạt được đồng thuận, các bên sẽ tiến tới kỳ kết một thỏa thuận 3 bên. Các thỏa thuận tương tự đang tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức của chính quyền Biden. Nó cũng nhấn mạnh sự tụt hậu trong nỗ lực cung cấp vaccine cho Mỹ cho các nước đang rất cần sự giúp đỡ từ các nước dư thừa vaccine. 

“Nếu tiếp tục cung cấp vaccine với tiến độ hiện tại, thật không may, tốc độ này chậm hơn rất nhiều so với mức yêu cầu”, Tiến sĩ Saad B. Omer - Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Yale cho hay. 

Nhiều tháng qua, nỗ lực chia sẻ vaccine phát triển thành một chuỗi các hoạt động liên tục trong toàn bộ chính quyền liên bang Mỹ. Các cuộc họp cấp thứ trưởng diễn ra vài lần 1 tuần. 

Mỗi ngày, Nhà Trắng thực hiện khoảng 15 cuộc gọi đến các quốc gia, bắt đầu từ 7h sáng. 

Nhà Trắng khẳng định họ không thiếu vaccine để chia sẻ nhưng Washington "gặp thách thức lớn về hậu cần". 

"Chúng tôi cần đảm bảo rằng các thông tin về an toàn và quy định được chia sẻ. Cần đảm bảo có nơi bảo quản với nhiệt độ thích hợp, ngăn nguy cơ hỏng vaccine và phải đảm bảo vaccine được thông quan ngay lập tức", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay. 

Tiến sĩ Hilary D. Marston, một thành viên của nhóm đặc trách COVID-19 của Mỹ - người giúp điều phối lô vaccine chuyển tới Pakistan cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) đã phải làm việc với các quan chức Pakistan để tìm hiểu nước này có thể dự trữ được bao nhiêu liều. 

Hai quan chức Mỹ chia sẻ khâu hậu cần vận chuyển không phải là rào cản duy nhất khi gửi vaccine COVID-19 tới các nước. Các quốc gia tiếp nhận vaccine phải đồng ý các điều khoản miễn trừ trách nhiệm pháp lý của nhà sản xuất vaccine đối với những phản ứng bất lợi sau tiêm.

Các quốc gia đồng ý với các điều khoản này khi tham gia vào COVAX. Nhưng nếu họ nhận vaccine trực tiếp từ Mỹ, cần có quy trình đàm phán riêng về các điều khoản miễn trừ trách nhiệm.

Ngoài ra, Mỹ cũng phải cân nhắc lựa chọn quốc gia sẽ viện trợ vaccine dựa trên nhiều tiêu chí.

Các liều vaccine viện trợ được sản xuất và cung cấp theo quy trình pháp lý và quy định của Mỹ nên chúng phải được các quốc gia tiếp nhận phê chuẩn. Điều này buộc Mỹ phải liên hệ với các cơ quan quản lý nước ngoài trước khi quyết định viện trợ vaccine cho nước đó.

Nước nghèo kiếm đâu ra tủ đông?

Nếu vaccine được viện trợ thông qua cơ chế COVAX, cũng còn rất nhiều trở ngại. 

Đơn cử như Nam Sudan và Congo phải trả lại một số vaccine cho sáng kiến COVAX vì các vấn đề hậu cần và thái độ do dự của người dân với vaccine.

Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế trên khắp lục địa đen cũng làm trì hoãn chiến dịch tiêm chủng ở một số quốc gia. Tại các cộng đồng ở khu vực châu Phi cận Sahara, trung bình cứ 10.000 người mới có 2 bác sỹ. 

Chiếc tủ lạnh lưu trữ vaccine "tuềnh toàng" ở một trạm xá ở Burkina Faso. (Ảnh: AP)

Hồi tháng 5, Malawi tiêu hủy gần 19.610 trong tổng số 102.000 liều vaccine AstraZeneca được chuyển đến nước này do hết hạn sử dụng. Malawi khởi động chiến dịch tiêm chủng vào tháng 3 với mục tiêu chích ngừa cho 11 triệu người vào cuối năm. Theo NPR, tiến độ tiêm chủng chậm chạp của Malawi xuất phát từ việc thiếu hụt về tài chính, sự do dự của người dân và vấn đề hậu cần.

"Thực sự rất áp lực. Người khác có thể nhìn vào chúng tôi và nói, anh đã có 500.000 liều mà không dùng hết, chẳng lý do gì lại gửi thêm 1,5 triệu liều nữa cả", Daniel Ekra, nhà dịch tễ học phụ trách chương trình tiêm chủng của Bờ Biển Ngà cho hay. Bờ Biển Ngà cũng từng phải đau đầu với bài toán triển khai vaccine.

Vào tháng 6, Zimbabwe hoãn nhận lô vaccine Johnson & Johnson từ chương trình hỗ trợ của Liên đoàn châu Phi (AU) do không đáp ứng được yêu cầu bảo quản. 

Trên thực tế, vaccine Johnson & Johnson được tính là vaccine dễ bảo quản hơn với so các loại vaccine khác như Moderna hay Pfizer. Nhiệt độ bảo quản của vaccine Johnson & Johnson là 2-8 độ C trong khi của Moderna hay Pfizer lên tới -20 độ đến -70 độ C.

Những chiếc tủ đông để bảo quản vaccine có giá dao động từ 10.000 - 20.000 USD/chiếc là điều khá xa xỉ với nhiều quốc gia ở lục địa đen, nơi 1/3 dân số sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ. 

Tại một trạm y tế ở Burkina Faso, nữ y tá Julienne Zoungrana cho biết kể từ khi tủ lạnh hỏng từ mùa thu năm 2019, cơ cở này không còn trữ vaccine phòng bại liệt, uốn ván… Khi có nhu cầu, nhân viên tại đây thường phải đi xe máy 40 phút đến bệnh viện tại Ouagadougou, lấy vaccine và cho vào hộp giữ lạnh rồi mang về trạm xá.

Giám đốc chương trình vaccine quốc gia Burkina Faso - bà Issa Ouedraogo, cho biết nước này vẫn thiếu 1.000 tủ trữ lạnh y tế và chưa đầy 40% các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tiêm vaccine có thiết bị bảo quản lạnh đáng tin cậy.

Theo thống kê, chỉ có khoảng 28% cơ sở y tế khu vực châu Phi - hạ Sahara có đủ điều kiện để đảm bảo bảo quản vaccine của Johnson & Johnson hoặc AstraZeneca, chứ chưa nói tới Moderna hay Pfizer. 

240 triệu vaccine có nguy cơ bị vứt bỏ

Các nhà sản xuất vaccine ở các nước giàu đang sản xuất 1,5 tỷ liều vaccine/tháng. Dự kiến vào cuối năm nay, toàn thế giới sẽ đạt sản lượng 12 tỷ liều vaccine. 

Theo Tiến sĩ Matt Linley - nghiên cứu trưởng tại Airfinity cho biết, kể cả khi các nước giàu triển khai tiêm mũi tăng cường cho dân, họ vẫn thể thừa tới 1,2 tỷ liều. 1/5 trong số số này, tương đương 241 triệu liều vaccine có nguy cơ bị bỏ phí nếu chúng không được quyên tặng sớm. 

 241 triệu liều vaccine có nguy cơ bị bỏ phí nếu chúng không được quyên tặng sớm.

Tổng thống Mỹ Biden đang thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới cam kết tiêm phòng cho 70% dân số thế giới vào tháng 9 năm sau. Nhưng số liệu thống kê cho thấy, các hiệu thuốc và chính quyền các bang ở Mỹ đã vứt bỏ 15,1 triệu liều vaccine COVID-19 từ 1/3.

Theo Economist Intelligence Unit, số vaccine các nước giàu nhất thế giới tiêm cho dân gấp 100 lần các nước nghèo nhất. 

"Thật bi kịch khi chúng ta rơi vào tình cảnh vaccine bị lãng phí trong lúc nhiều nước châu Phi chưa tiêm chủng được 5% dân số của họ. Rất nhiều khu vực ở phía Nam bán cầu chưa được tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm ở lục địa châu Phi vẫn ở mức dưới 10%. Đây là một sự bất bình đẳng lớn và nó thực sự có vấn đề", bà Sharifah Sekalala, phó giáo sư luật sức khỏe toàn cầu tại Trường ĐH Warwick (Anh), nói.

Cảnh báo về một "thảm họa lãng phí vaccine", cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown kêu gọi lãnh đạo các nước cần sớm quyết định các quốc gia có nên trao đổi hợp đồng giao hàng hay không và làm thế nào để vượt qua các rào cản quy định đối với xuất khẩu vaccine.

Hồi đầu tháng 9, các tổ chức điều hành chương trình COVAX cho biết nguồn vaccine COVID-19 chia sẻ cho những nước nghèo trong năm nay giảm 30% so với mục tiêu 2 tỷ. 

Các tổ chức này tiết lộ quyết định cắt giảm bắt nguồn từ nhiều yếu tố, gồm hạn chế xuất khẩu vaccine của Viện Huyết thanh Ấn Độ, một trong những nhà cung cấp chính.

Tuy nhiên, khi Ấn Độ tuyên bố nối lại xuất khẩu vaccine, các chuyên gia y tế hy vọng đây sẽ là một tín hiệu tích cực thúc đẩy chia sẻ vaccine cho các nước nghèo.

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới