Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Eximbank lý giải việc hai thành viên HĐQT rời 'ghế nóng'

(VTC News) -

Chủ tịch Ngân hàng Eximbank cho rằng, việc hai thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) xin rời "ghế nóng" trước thềm đại hội cổ đông (14/4) là bình thường.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) đã có tờ trình về việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng, căn cứ theo đơn từ nhiệm của hai cá nhân này vào ngày 5/4.

Một đại diện của Eximbank chia sẻ, ông Hiếu đại diện cho một nhà đầu tư, tuy nhiên nhà đầu tư này đã bán cổ phần cho người khác nên ông Hiếu từ nhiệm. Còn ông Hùng từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). 

Ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng cùng được bầu vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2021 lần thứ hai diễn ra vào ngày 15/2/2022.

Theo tài liệu được Eximbank công bố khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Bamboo Capital. Ông Hùng được đề cử bởi nhóm cổ đông bao gồm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lê Thị Mai Loan, Công ty Cổ phần Thắng Phương, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Helios.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hiếu là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt. Ông Hiếu được đề cử bởi nhóm cổ đông Lafelle Limited, Education Management Holdings Limited, ông Trần Công Cận và bà Ngô Thu Thuý - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Âu Lạc.

Sắp tới, ĐHCĐ thường niên năm 2023 của Ngân hàng Eximbank sẽ diễn ra vào ngày 14/4 tại TP.HCM.

Trả lời PV VTC News, bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank cho rằng, những cá nhân từ nhiệm thành viên HĐQT là vấn đề bình thường của cổ đông bởi tất cả thành viên HĐQT hiện nay của Eximbank đều đại diện cho cổ đông.

“Việc ở lại hay rút khỏi HĐQT là việc của cá nhân họ và cổ đông. Hoạt động của ngân hàng vẫn diễn ra bình thường. Mục tiêu của tôi là dẫn dắt ngân hàng phát triển ổn định, hoạt động tốt và có tiền chia cổ tức cho cổ đông”, bà Tú nói.

ĐHCĐ của Eximbank luôn được dư luận quan tâm. Trong ảnh, bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank trình bày trước cổ đông.

Việc rời “ghế nóng” của các thành viên HĐQT Eximbank luôn khiến dư luận và cổ đông “hồi hộp” bởi, cứ mỗi lần ngân hàng này ĐHCĐ là xảy ra “lùm xùm”.

Cách đây gần 1 năm, vào ngày 28/4/2022, mặc dù đã 9h sáng nhưng ĐHCĐ thường niên năm 2022 của Eximbank chỉ có 90 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 688 triệu cổ phần, tức chỉ tương đương 56% tỷ lệ cổ đông tham dự. Trong khi đó, theo quy định, tỷ lệ cổ đông tham dự tối thiểu phải đạt trên 65% thì đại hội mới có thể diễn ra. ĐHCĐ bất thành, Eximbank lại phải tổ chức đại hội lần 2.

Trước đó, vào ĐHCĐ năm 2021, Ngân hàng Eximbank từng phải 11 lần hoãn, dời và tổ chức bất thành. Đến ngày 15/2/2022, ĐHCĐ năm 2021 mới diễn ra thành công. Nguyên nhân một phần là do dịch COVID-19 nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là việc tranh chấp quyền lợi giữa các nhóm cổ đông.

Trong năm 2023, Ngân hàng Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022. Huy động vốn dự kiến tăng 11% lên 165.000 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) tăng 12,3% lên 146.600 tỷ đồng.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái. Trước đó, năm 2022, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt xa kế hoạch, tăng tới 207% so với cùng kỳ, đạt 3.709 tỷ đồng.

Cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Eximbank là 1,8%. Ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ này không quá 1,6% trong năm nay.

Tại Đại hội, Eximbank sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, từ đó tăng vốn điều lệ lên hơn 17.469 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 18%. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ.

ĐẠI VIỆT

Tin mới