(VTC News) – “Việc chống tham nhũng, lãng phí là vấn đề hệ trọng của quốc gia. Nếu làm không tốt có thể đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, của Đảng..."
Báo cáo với các cử tri Q.1 nói riêng và TP.HCM, phó trưởng đoàn chuyên trách – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch cho biết: Điểm nhấn của kỳ họp Quốc hội lần này là việc bỏ phiếu tín nhiệm các vị trí chủ chốt. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện công việc nói trên, nhưng tất cả mọi thông tin đều được công khai và minh bạch.
Trước khi thực hiện cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, các đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có rất nhiều cuộc trao đổi, thảo luận, bàn bạc một cách thẳng thắn, trung thực mà không bị một áp lực nào từ các cấp lãnh đạo.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ hai, trái sang) trò chuyện cùng các cử tri Q.1, TP.HCM sáng 24/6 (Ảnh: N.D)
Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần này đã phản ánh đúng tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, và “đây là cuộc bỏ phiếu thành công” – đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh. Làm thế nào để cho đến kỳ họp Quốc hội vào cuối năm nay, người dân nhìn thấy nợ xấu giảm đi nhiều, hàng tồn kho sẽ được giải phóng đi bớt, lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể sẽ giảm, người lao động sẽ có thêm nhiều việc làm…”
Tại buổi tiếp xúc sáng 24/6, nhiều cử tri đã bày tỏ sự vui mừng của mình khi một kỳ họp lịch sử với nhiều hoạt động, lịch trình làm việc quan trọng đã thành công. Tham nhũng làm xói mòn chính quyền, làm giảm uy tín của Đảng, mất niềm tin trong nhân dân. Khi xử án tham nhũng thì lại căn cứ vào các tình tiết nhân thân tốt, phạm tội lần đầu để làm giảm tội. Những người tham nhũng là người có chức vị thì ai chẳng có điều này. Xử phạt như thế chẳng khác nào tiếp tay cho tham nhũng. Cử tri Nguyễn Hiền Hà
Cử tri Lê Văn Minh (phường Cầu Ông Lãnh – Q.1) phát biểu: “Điều mà các cử tri, người dân quan tâm, mong mỏi là làm sao, sau mỗi kỳ họp của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo Chính phủ cần thực hiện lời hứa trước diễn đàn Quốc hội và biến nó thành hiện thực, đi vào thực tế.
Tuy nhiên, nhiều cử tri cũng băn khoăn việc Quốc hội chọn hình thức ‘tín nhiệm thấp’ và ‘tín nhiệm cao’, bởi lẽ theo nhiều người dân, trong từ điển tiếng Việt không có các cụm từ này, mà chỉ có cụm từ ‘tín nhiệm’ hoặc ‘không tín nhiệm’. Thế nhưng, các cử tri vẫn nêu lên quan điểm việc lấy phiếu tín nhiệm cần phải thực hiện tới nơi, tới chốn.
Quan điểm của các cử tri Trần Văn Lài, Nguyễn Kiên Cường: Việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là thành công bước đầu, lên ‘dây cót' tinh thần cho những vị lãnh đạo, đại biểu Quốc hội nào yếu kém. Lần sau, nên thẳng thắn tiêu chí ‘tín nhiệm, bất tín nhiệm’ để tránh sự mơ hồ.
Kiên quyết nói không với lãng phí, tham nhũng
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch thông tin: Trong năm 2014, Quốc hội sẽ thực hiện quyền giám sát tối cao để chấm dứt tình trạng ì ạch của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ còn tiếp tục thực hiện công cuộc cải cách hành chính, chống lãng phí, tăng cường an ninh quốc phòng, đối ngoại.
Cử tri Nguyễn Hiền Hà (Q.1, TP.HCM) bức xúc: “Tham nhũng làm xói mòn chính quyền, làm giảm uy tín của Đảng, mất niềm tin trong nhân dân. Khi xử án tham nhũng thì lại căn cứ vào các tình tiết nhân thân tốt, phạm tội lần đầu để làm giảm tội. Những người tham nhũng là người có chức vị thì ai chẳng có điều này. Xử phạt như thế chẳng khác nào tiếp tay cho tham nhũng."
Một số cử tri khác của Q.1 thì nêu thực trạng lãng phí trong việc mời các đại biểu tham dự lễ khánh thành, khai trương, các dự án xây dựng đã khởi công nhưng không thi công gây lãng phí tiền bạc, cán bộ tham nhũng vẫn còn bị xử lý quá ít, tội còn nhẹ, đề nghị thực hiện nghiêm việc cán bộ công khai tài sản…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giải đáp thắc mắc của cử tri Q.1, TP.HCM (ảnh: N.D)
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tổ đại biểu Quốc hội số 1 của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh những ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân tình của các cử tri đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định: “Việc chống tham nhũng, lãng phí là vấn đề hệ trọng của quốc gia. Nếu làm không tốt có thể đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân. Hiện không thiếu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chống tham nhũng, lãng phí, nhưng việc tổ chức thực hiện đã không nghiêm minh”.
Sau khi trực tiếp giải đáp một số các ý kiến, thắc mắc tại chỗ của cử tri Q.1, Chủ tịch nước đã thông báo kết quả chuyến thăm Trung Quốc vừa qua. Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Chuyến thăm đã được bạn bè quốc tế, nhiều nước Asean quan tâm rất lớn.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước và các vị lãnh đạo Việt Nam đã cùng nhau thảo luận với phía Trung Quốc các ý kiến xung quanh mối quan hệ của 2 nước, các vấn đề hợp tác kinh tế - thương mại và vấn đề biển Đông.
“Các ý kiến trao đổi hết sức thẳng thắn, đã được những thỏa thuận nhất định và những thỏa thuận này hoàn toàn không phương hại đến bất kì quốc gia thứ 3 nào” – Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Việt Dũng