Chăm vợ ở viện ngày thứ 7 tại khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, anh Trương Văn Bảy (38 tuổi, dân tộc Sán Dìu, Lục Ngạn, Bắc Giang) chồng chị Từ Thị Chanh (37 tuổi, người Hoa) vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc xảy ra với gia đình mình. Nhìn người vợ quấn đầy băng gạt, mất đi tay phải, mặt chằng chịt vết khâu anh Bảy không kìm nén được cảm xúc.
Anh Bảy kể, chủ nhật tuần trước chị Chanh đưa các con về ngoại chơi, do bận việc nên anh không đi cùng. Chiều cùng ngày bố vợ gọi điện thông báo chị Chanh phải đi cấp cứu. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, anh vội vàng lên bệnh viện huyện, đến nơi nhìn thấy vợ thì ngã quỵ tại chỗ.
Cơ thể chị Chanh quấn kín băng, máu thấm đỏ, phần tay phải dập nát. Vết thương quá nặng chị Chanh được chuyển lên Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cấp cứu.
Anh Trương Văn Bảy chăm vợ tại bệnh viện.
Thoát chết sau vụ nổ, chị Chanh tỉnh lại mắt bị khâu không thể mở, tay chân không cử động được, những cơn đau sau khi thuốc tê hết tác dụng làm chị thêm tiều tuỵ.
Nằm trên giường bệnh chị thều thào kể, trưa ngày 6/8 chị đưa con về nhà bố mẹ ăn cơm. Ăn xong trước cả nhà chị lấy điện thoại để chơi thì thấy máy hết pin, nên đi vào phòng cắm sạc, lúc này ngoài trời đang mưa. Vừa lướt điện thoại được một lúc thì chị nghe thấy tiếng điện xèo xèo, rồi ngất lịm đi không biết gì nữa.
Ngồi bên cạnh vợ anh Bảy liên tục thở dài, tai nạn biến vợ anh từ người lành lặn, tháo vát thành người tàn tật, cũng khiến nhà anh mắc một khoản nợ lớn.
Người đàn ông dân tộc Sán Dìu cho biết, vợ chồng anh không ai có bảo hiểm xã hội. Từ hôm chị Chanh nhập viện, mỗi ngày tiêu tốn hơn 3 triệu đồng tiền truyền dưỡng chất và thuốc. Anh kể rằng do không có bảo hiểm chi trả, số tiền 80 triệu đồng vay mượn đem lên viện đã hết, mà chi phí sắp tới để điều trị còn nhiều.
"Bác sĩ báo tiền điều trị cho vợ tôi còn tốn vài ba trăm triệu nữa nhưng giờ cô ấy nằm đây, tôi thì đi chăm, vườn cây là thu nhập chính của gia đình chưa đến mùa thu hoạch tôi biết lấy tiền ở đâu ra", anh Bảy buồn rầu chia sẻ.
Anh Bảy tâm sự trước đây anh đi làm thợ còn chị Chanh là công nhân, nhà còn hai con nhỏ gửi ông bà chăm sóc. Mấy năm trước do dịch COVID-19 hai vợ chồng đều không có việc làm nên về quê xây dựng kinh tế bằng việc trồng cam. Nhưng không may mưa gió thất thường nên vườn cam mất mùa, năm nay anh chị chuyển đổi sang trồng vải. Cây chưa đến mùa thu hoạch, nợ vay để mua giống chưa trả hết thì vợ lại gặp chuyện không may.
"Ông trời trêu đùa chúng tôi quá, gia đình tôi biết sống thế nào đây", người đàn ông 38 tuổi rớt nước mắt nói.
Nghe tiếng thở dài của chồng nói chị Chanh bên cạnh bất lực, muốn khóc mà không được. Chị không ngờ một lần sơ suất của mình khiến gia đình mang nợ, bản thân trở thành gánh nặng cho chồng con.
Bác sĩ CK II Đặng Trung Kiên Khoa Phẫu thuật chấn thương chung, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức - người trực tiếp điều trị thông tin, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương vùng mặt, chân, tay và ngực. Vỡ nhãn cầu phải, mảnh nhựa cắm sâu vùng cổ tổn thương khí quản, tay phải dập nát tính mạng bị đe doạ.
"Chúng tôi đã phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương sang mổ múc nhãn cầu mắt phải, khâu lại vùng mắt, bảo tổn mắt trái. Cùng với đó xử lý vết thương dập nát bàn tay phải, vết thương ở vùng mặt, phần khí quản bị cắt đứt", bác sĩ Kiên nói.
Dù đã bảo toàn được tính mạng nhưng chị Chanh cần thời gian dài để có thể bình phục sức khỏe. Bệnh nhân không có bảo hiểm y tế nên số tiền chi trả điều trị sẽ rất lớn, lên đến hàng trăm triệu. Chưa kể dù bình phục vết thương, chị Chanh vẫn trở thành người tàn tật, mất khả năng lao động do một bên tay phải, mắt phải đã mất, tầm nhìn hay hoạt động đều bị hạn chế.
"Hai vợ chồng chị Chanh đều là người dân tộc, không có công ăn việc làm ổn định. Hiện tại người vợ không còn khả năng làm kinh tế. Đây sẽ là gánh nặng rất lớn đối với anh Bảy, trong khi còn phải nuôi hai con nhỏ ở nhà ăn học", bác sĩ Kiên nói.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email toasoan@vtcnews.vn hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.