5h sáng, bà Nguyễn Thị Được (thôn Đông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), bắt xe khách đưa cháu gái Lưu Xuân Giang đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Hai bà cháu đi thăm khám lại sau phẫu thuật mổ u xương cho Giang hồi tháng 6.
Nhìn cụ bà cõng theo cháu nhỏ trong hành lang bệnh viện, nhiều người xót thương "không biết bố mẹ đâu lại để bà đưa đi?". Nghe lời nói của mọi người, lòng bà Được chùng xuống.
Ba năm trước, với mong muốn thoát nghèo, con cái được ăn học nên người, bố mẹ Giang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Nhưng do dịch COVID-19 anh chị không làm ăn được, lại gặp nhiều khó khăn vướng mắc về thủ tục giấy tờ nên họ chưa thể về quê hương.
Giang ở cùng bà nội 85 tuổi và anh trai, ba bà cháu rau cháo qua ngày. Biết bố mẹ ở bên ngoài vất vả nên em luôn cố gắng học tập và nghe lời bà. Một năm trở lại đây chân Giang thường xuyên đau nhức, sợ bà lo lắng em giấu chuyện, chịu đau một mình. Đầu tháng hai năm nay, chân của cô bé sưng to và cơn đau ngày một nặng hơn.
“Khi phát hiện chân Giang bị sưng to, tôi đưa bé đi khám, bác sĩ nói có khối u trong xương, phải chuyển lên Hà Nội mổ gấp”, bà Được nhớ lại hôm nhận kết quả cả nhà như chết lặng. Bố mẹ Giang ở nước ngoài biết con bị bệnh đứng không vững, muốn về thăm con mà không được, chỉ biết ôm nhau khóc.
Xuân Giang buồn vì bố mẹ không ở bên nhưng luôn cố gắng nghe lời bà ngoại uống thuốc.
Giang được chuyển lên Hà Nội, nhập viện Nhi, các bác sĩ chẩn đoán em bị Osteo sacoma xương chày phải giai đoạn ba, một dạng ung thư xương ở trẻ em. Phải phẫu thuật cắt bỏ khối u và truyền hoá chất, nếu không đáp ứng thuốc con sẽ phải cưa chân, dùng chân giả. Nghe đến cưa chân bà Được khóc hết nước mắt. Giang còn nhỏ, đang tuổi ăn chơi, chạy nhảy cưa chân rồi tuổi thơ của cháu biết làm sao.
Ở tuổi đáng ra được an nhàn hưởng phúc con cháu, bà Được vẫn hàng tuần đưa cháu gái đi viện. Bà kể có hôm chân cháu đau, chảy nước vàng, lên cơn co giật sùi cả bọt mép, già yếu tay chân chậm chạp bà chỉ biết hô cứu trong bất lực, những lúc như thế bà rất sợ mất cháu.
Để chuẩn bị cho đợt mổ em được truyền hoá chất. Giang ở viện bao nhiêu ngày thì bà Được theo bấy nhiêu ngày. Có hôm Giang đau khóc cả đêm, bà chẳng dám chợp mắt. Chân Giang không thể đi, người bà 76 tuổi trở thành đôi chân của em. Đi đâu, thăm khám gì bà đều dùng xe đẩy em đi, chỗ nào xe không vào được thì bà cõng, bế em.
Biết hoàn cảnh, những người cùng phòng bệnh không ai bảo ai, cố gắng hỗ tợ được gì thì hỗ trợ. Có những đêm họ thức chăm con, nhận trông luôn Giang cho bà Được chợp mắt một chút.
4 tháng nhập viện điều trị hoá chất, đầu tháng 6 Giang đủ điều kiện để được mổ. Cô bé được chuyển sang viện Xanh Pôn chuẩn bị cho ca cắt bỏ khối u. Hình ảnh người bà lớn tuổi cõng theo cô cháu gái gầy nhom vào gặp bác sĩ làm ai thấy cũng đau lòng. Giang tuy bị bệnh nhưng rất hiểu chuyện và kiên cường.
8h sáng ngày 12/6, cô bé được đưa vào phòng mổ. Hai bên nội ngoại đều có mặt, ca mổ diễn ra 12h, mọi người đều mệt mỏi, riêng bà Được đứng ngồi không yên. Mẹ Giang bên nước ngoài gọi điện liên tục. 20h Giang được đẩy ra khỏi phòng phẫu thuật, nhìn cháu gái gầy gò, yếu ớt chân quấn băng, dây truyền cắm đầy người bà Được nói: "Đến cái tuổi gần đất xa trời rồi lại phải chứng kiến cảnh co cháu đau đớn thế này thật sự không chịu đựng nổi".
12h đêm thuốc giảm đau, gây tê hết tác dụng, Giang đau đớn gào khóc. Còn lại hai bà cháu, bà Được chỉ biết ôm Giang khóc theo, đến khi cô bé mệt lả ngủ thiếp đi. Từ đó đến nay, hai bà cháu cứ đi lại giữa hai bệnh viện và quê. Giang vẫn tiếp tục phác đồ truyền hóa chất ở Viện Nhi và định kỳ qua Xanh Pôn thay băng, kiểm tra vết mổ và vật lý trị liệu tập đi.
Ông Đỗ Văn Kỳ, trưởng thôn Đông Môn cho biết, gia đình Giang gồm 5 người, bố mẹ, hai anh em Giang và bà nội 85 tuổi. Bố mẹ em đi lao động nước ngoài vướng mắc thủ tục chưa thể về nước. Bà Nội tuổi già chỉ trồng chờ vào trồng rau bán lấy tiền, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
"Cháu Giang bị bệnh hiểm nghèo, không có bố mẹ ở bên, tiền chạy chữa lại nhiều, mong các mạnh thường quân ủng hộ cho cháu vượt qua gia đoạn khó khăn này", ông Kỳ nói.