Vượt qua đỉnh dịch
"Chúng tôi dường như đã đạt tới giai đoạn đỉnh dịch, điều này cho thấy các biện pháp chống Covid-19 có hiệu quả", Silvio Brusaferro, Chủ tịch Viện nghiên cứu sức khỏe Italy cho hay.
Tuyên bố này được ông Brusaferro đưa ra khi số ca mắc Covid-19 của Italy chạm mốc hơn 100.000 trường hợp.
"Chúng tôi đã bắt đầu thấy ánh sáng sáng le lói ở cuối đường hầm", ông Frank Rasulo, bác sĩ gây mê và hồi sức tại Bệnh viện Spedali Civili ở Brescia, thành phố bị ảnh hưởng dịch nặng nề ở Lombardy, cho hay.
Nhân viên Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy chất quan tài của người mắc Covid-19 lên xe đẩy. (Ảnh: Bloomberg)
Giới chức Italy tin rằng, tốc độ lây nhiễm Covid-19 đang chậm lại sau 3 tuần phong tỏa. Dù vậy, các quan chức nước này cho rằng cần phải giữ được mức giảm này sau Lễ Phục sinh (12/4), trước khi tính tới chuyện nới lỏng lệnh phong tỏa và mở cửa trở lại.
Italy là quốc gia phương Tây đầu tiên áp dụng phong tỏa toàn quốc để chống dịch. Nhiều quốc gia khác làm theo cách này, yêu cầu các cá nhân ở nhà và kêu gọi các công ty không thiết yếu đóng cửa.
Các chỉ số lạc quan mới đây của Italy về số ca nhiễm mới trong ngày đang củng cố niềm tin rằng quyết định phong thành đang mang lại kết quả lẫn tín hiệu tích cực cho các quốc gia phương Tây khác.
Tại vùng Lombardy - khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất ở Italy, số bệnh nhân đang phải điều trị tại khu hồi sức tích cực giảm xuống còn 1.324 trường hợp. Số người chết vì Covid-19 cũng có xu hướng giảm mạnh những ngày vừa qua.
Đừng lặp lại sai lầm của Italy
Tuy nhiên, Cristina Capellini, bác sĩ gần Bergamo nói rằng, có quá nhiều người chết trong một khoảng thời gian dài trước khi các biện pháp cho thấy hiệu quả.
Các bệnh viện Bergamo liên tiếp nhiều tuần trước rơi vào tình trạng quá tải, số người chết cũng không phải con số nhỏ. Một trong số nạn nhân xấu số đó có chồng của Capellini.
Video: "Thành phố không ngủ" New York vắng hoe vì Covid-19
"Đừng lặp lại những sai lầm mà Italy mắc phải. Hãy rút ra bài học từ chúng tôi: Quyết liệt trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ngay từ đâu.
Chúng ta cần thấu hiểu về thảm kịch này bằng cách thay đổi cách tiếp cận với vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cần phải đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của đại dịch", bà Capellini cho hay.
Ở Bergamo những ngày gần đây, áp lực đè nặng lên các phòng hồi sức tích cực đã bắt đầu giảm.
Bác sĩ Mirco Nacuti tới từ bệnh viện Papa Giovanni 23 cho biết, anh và các đồng nghiệp trở nên dễ thở hơn những ngày qua. Nhưng vẫn còn những người già sắp chết mà chưa thể tới bệnh viện.
"Bi kịch vẫn xảy ra và các con số chính thức không nói lên thực tế, vì nhiều người vẫn chưa được xét nghiệm", Nacuti cho hay.