Lê là gái quê Nam Định lên Hà Nội học. Cái duyên cái số đưa đẩy cô yêu Hùng – một chàng trai Hà Nội hiền lành, đẹp giai. Ngày cưới, người thân và bạn bè của Lê ở quê ai cũng mừng cho cô, nào là lấy được chồng thành phố, gia đình cơ bản. Bản thân Lê cũng nghĩ cuộc sống của mình sang một trang mới, nào ngờ…
Vợ chồng Lê sống chung cùng bố mẹ chồng và cô em chồng. Trước khi đi lấy chồng, mẹ Lê đã lo sợ cô với mẹ chồng sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn nên có căn dặn con “phải biết nhẫn nhịn, biết chăm lo cho gia đình chồng”.
Tuy nhiên, từ ngày về làm dâu nhà Hùng đến nay đã 3 năm, Lê chưa bao giờ bị bố mẹ chồng mắng chửi hay phàn nàn câu nào. Vậy nhưng Hương – cô em chồng của Lê lại không mấy hài lòng về chị dâu.
Hương năm nay 28 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Vốn là nhân viên truyền thông, giờ giấc đi làm của Hương cũng thất thường. Có nhiều bữa phải đến 10h tối Hương mới đi làm về, lấy cớ mệt mỏi nhức đầu rồi vào phòng nằm, mặc kệ bữa tối chị dâu đã phần lại phải dọn đi.
Mẹ chồng Lê vốn là giảng viên đại học đã nghỉ hưu. Bà bị tai biến nên không làm được việc nhà. Sáng sớm Lê đã dậy nấu bữa sáng trong khi bố mẹ chồng và em chồng đang ngủ ngon giấc. Bao giờ Lê cũng chuẩn bị hai hộp cơm buổi trưa ngon lành cho cô và em chồng. Vậy mà Hương vẫn chẳng một lời cám ơn chị dâu, cô vẫn thường xuyên đổ cơm để đi ăn trưa bên ngoài với đồng nghiệp.
Quần áo của Hương mặc về thay ra rồi vứt đó, Lê lại thu dọn và phân ra cái nào giặt tay, cái nào giặt máy. Hương nghiễm nhiên coi những điều chị dâu làm cho mình là lẽ đương nhiên.
Từ ngày có chị dâu, Hương như trở thành bà hoàng vì có ô sin không công. Cô chỉ chăm ăn ngon mặc đẹp, ngày đi làm rồi lại tụ tập với bạn bè, không phải lo cơm cháo, giặt giũ.
Dạo gần đây, Hương bỗng thông báo có người yêu và hay đưa bạn trai về nhà chơi. Lê không có ý kiến gì, nếu như không phải em chồng và người yêu không chút ý tứ. Đến không phải chơi không, mà toàn đến vào giờ cơm, sau khi Lê đã nấu nướng xong xuôi dọn lên cho cả nhà ăn rồi. Thêm người, Lê lại phải chạy vội đi mua chút đồ ăn, bởi Hương chả bao giờ báo trước.
Ăn xong thì Lê lại tót lên phòng hoặc đi chơi, xem phim cùng người yêu, để một mình Lê dọn dẹp, rửa bát. Vài lần thì Lê cũng chẳng để ý, nhưng chuyện đó lại diễn ra thường xuyên. Có hôm Hương và người yêu đi đâu về muộn, nhà đã ăn xong hết, Lê cũng dọn rửa đâu ra đấy rồi thì Hương lại "nhờ" chị dâu dọn cơm cho "khách" ăn.
Ăn xong, nghiễm nhiên Hương và bạn trai lại vứt bát đũa đấy để cho Lê dọn. Thậm chí nhiều hôm, Hương và bạn trai về sớm, trước cả lúc Lê đi làm về nhưng cả hai không đi chợ hoặc cắm cơm mà ngồi hồn nhiên bấm điện thoại, không phụ giúp chị dâu việc gì..
“Con giun xéo mãi cũng quằn”, nhiều lần như thế và xu thế còn tiếp diễn khiến Lê cảm thấy rất khó chịu. Cô đành nói chuyện với chồng rằng anh nên góp ý với Hương.
Thế là, tối vừa rồi, Hùng, - chồng Lê nói chuyện với Hương. Anh nhắc cô là chị dâu không thể vừa đi làm lại lo cơm nước, giặt giũ cho cả em chồng. Ai ngờ nghe anh trai nói thế, Hương bù lu bù loa lên: “Anh hay nhỉ, anh bênh vợ, xót vợ vừa vừa thôi. Chị có mỗi việc cơm nước, giặt giũ thì đã có máy giặt rồi mà còn kêu than. Trước đây mẹ khỏe vẫn làm tốt, có bao giờ kêu ca nửa lời gì đâu”.
Nói rồi Hương quay sang cao giọng với Lê: “Chị tự biến mình là osin cao cấp nhé, chưa bao giờ em bắt chị làm, giặt giũ, nấu ăn cho em cả. Chị làm dâu nhà này quá sướng ấy. Từ quê ra thành phố làm bà hoàng mà còn lắm chuyện. Các cụ nói chả sai “Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”. Chị mà ra gì thì giờ đã có con cho bố mẹ tay bế tay bồng rồi”.
Lê nghe lời em chồng nói mà cô choáng váng. Cô không ngờ rằng em chồng mình lại buông những lời xúc phạm nặng nề như thế.
Bị xúc phạm, Lê chỉ thẳng tay vào em chồng. “Em không có đủ tư cách mà nhận xét chị như vậy”. Nói rồi, Lê gọi mẹ chồng xuống nhà để giải quyết sự việc.
Đêm hôm ấy, cho dù nhận được lời xin lỗi “miễn cưỡng”, cho dù mẹ chồng có bảo “nó biết sai rồi thì con bỏ qua cho nó” nhưng bản thân Lê thấy không thể tha thứ và bình thường quan hệ với em chồng. Buổi đêm, cô ôm chồng khóc nức nở mặc chồng dỗ dành. Lê tự nhủ bản thân từ bây giờ trở đi, phải cứng rắn hơn trước và không được để mình bị chèn ép bởi cô em chồng thêm một lần nào nữa.
Từ xưa đến nay, mối quan hệ giữa chị dâu và em chồng thường được coi là mối quan hệ nhạy cảm, như nước với lửa. Nếu người phụ nữ nào làm dâu nhà có em chồng được bố mẹ chồng cưng chiều thì lại càng xảy ra nhiều mâu thuẫn.
Tuy nhiên, nút thắt nào mà cũng có cách tháo gỡ, mâu thuẫn sinh ra cũng chỉ để cho người ta giải quyết nó mà thôi.
Thực tế cho thấy, cuộc sống sau hôn nhân là đủ thứ lễ nghĩa, phép tắc, lề lối, trách nhiệm với gia đình, bố mẹ, anh chị em, nội ngoại hai bên. Dù là chị dâu hay em chồng thì người phụ nữ cũng nên nhớ, tiên trách kỷ, hậu trách nhân, muốn gia đình người ta yêu thương mình, thì mình phải mở lòng, phải coi người ta là gia đình của mình trước đã.
Đồng thời, chị chồng hay em dâu đều nên nhường nhịn nhau một chút, đặt mình vào hoàn cảnh của người kia.
Cuộc sống hàng ngày cũng cho thấy rằng, cô em chồng nào ghê gớm với chị dâu thì đúng là dại dột. Em chồng mà đối tốt với chị dâu thì anh trai luôn là người được hưởng lợi đầu tiên, vì chị dâu có thoải mái, vui vẻ thì mới hết lòng chăm lo cho anh mình, cháu mình.
Rồi sau là đến bố mẹ, vì sớm muộn mình cũng đi lấy chồng, lúc đấy không nhờ cậy chị chăm sóc cho bố mẹ thì còn nhờ được ai nữa.
Song, nói đi thì cũng phải nói lại, các cô chị dâu cũng phải có ý có tứ, tâm sự, tỉ tê với em chồng nhiều hơn để hai chị em hiểu nhau chứ không phải cứ im ỉm, rồi dẫn đến những hiểu lầm không đáng có.