Văn phòng Chính phủ ngày 17/9 thông báo Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện kịch bản tăng trưởng và phương án điều hành những tháng cuối năm 2020, kế hoạch năm 2021. Trong đó, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm sau khoảng 6-6,5%.
Trên cơ sở báo cáo của cơ quan ngành kế hoạch, Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ xem xét, cho ý kiến trước khi báo cáo các cấp cao hơn theo quy định.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại phiên họp Chính phủ đầu tháng này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dự báo kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức trong năm sau. COVID-19 trên thế giới tuy có dấu hiệu dịu lại nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó lường và khả năng cao sẽ kéo dài cả năm 2021.
Triển vọng kinh tế toàn cầu rất khó khăn, các nước đối tác lớn suy thoái, khả năng phục hồi trở lại trạng thái trước khi Covid-19 xảy ra sẽ cần thời gian khoảng 2-4 năm tùy thuộc mức độ tác động. Dù vậy, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư vẫn đưa ra dự báo GDP năm 2021 đạt khoảng 6,7%.
Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, cùng Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2020, trình Thủ tướng quyết định. Riêng số vốn năm 2020 do các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề nghị chuyển trả, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng Bộ Tài chính rà soát, báo cáo Thủ tướng quyết định trước ngày 25/9, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay.
Với khoản vốn kế hoạch đầu tư các năm 2018, 2019 đã điều chuyển, kéo dài sang 2020, Chính phủ đồng ý cho phép được kéo dài đến hết tháng 12 năm nay. Số vốn kế hoạch đầu tư năm 2020 chưa giao chi tiết tại một số bộ, ngành, địa phương sẽ được Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát, báo cáo Thủ tướng quyết định thu hồi, điều chuyển sang các đơn vị có nhu cầu bổ sung vốn, giải ngân tốt.
Nhận diện kinh tế sẽ tiếp tục gặp thách thức lớn trước tác động của COVID-19, Chính phủ nhấn mạnh "mục tiêu kép" vừa phục hồi kinh tế, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh tiếp tục là ưu tiên hàng đầu thời gian tới.
Vì thế, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa hỗ trợ kích thích kinh tế, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ động đề xuất với Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư với nước ngoài các giải pháp mạnh mẽ thu hút có sàng lọc dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư nước ngoài.
Bộ Công Thương lên kế hoạch xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng; kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dưới mọi hình thức, bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước.