Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

GDP nửa đầu năm 2020: Đừng thấy tăng trưởng dương mà mừng

(VTC News) -

Chuyên gia kinh tế cho rằng không nên thấy tăng trưởng GDP nửa đầu 2020 là dương mà mừng vì nền kinh tế đang gánh chịu thiệt hại do COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp cao.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá của Bộ Tài chính, cho rằng nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19 đợt hai đem lại. Du lịch, dịch vụ, hàng không, xuất khẩu…sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thất nghiệp sẽ tăng nhanh, GDP sẽ giảm mạnh, bất ổn xã hội có thể phát sinh.

“Nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất lớn nên khi các thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… rơi vào tình trạng suy thoái sâu thì kinh tế Việt Nam cũng chịu suy thoái theo”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Theo ông Long, con số tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, mức tăng thấp nhất trong thập kỷ vừa qua, đã cho thấy ảnh hưởng khủng khiếp của đại dịch COVID-19. Do đó, chuyên gia này cho rằng suy nghĩ “GDP tăng trưởng dương là tốt lắm rồi, cả thế giới đều tăng trưởng kém đi, nhiều nước còn tăng trưởng âm nặng” là “phép thắng lợi tinh thần kiểu AQ”, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế.

"Trong điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển, đòi hỏi tốc độ tăng trưởng cao nên không thể chỉ thấy tăng trưởng dương là đã thỏa mãn. Nếu thỏa mãn sớm, ru ngủ trên vòng quyệt quế sẽ dẫn đến hậu quả trì trệ, lãng quên khó khăn thách thức còn đặt ra phía trước, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển”, chuyên gia nhấn mạnh.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá nhấn mạnh, tuy Việt Nam là một trong những quốc gia được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về khống chế dịch COVID-19 song việc cách ly xã hội cùng các biện pháp cứng rắn khiến sự vận hành của nền kinh tế gần như bị đóng băng trong một thời gian.

“Việt Nam là nước đang phát triển, GDP phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Khi thị trường thế giới teo lại do ảnh hưởng tai hại của dịch COVID-19, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Trong khi đó, với các nước giàu có như Mỹ, Nhật, Đức, Ý, Hàn Quốc... có tiềm lực kinh tế mạnh, quỹ dự trữ công lớn sẽ hồi phục tốt hơn”, ông Long nói.

Việt Nam là nước đang phát triển, GDP phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Trong khi đó, TS. Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright phân tích, mục tiêu của Chính phủ là vừa chống dịch, vừa duy trì, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, không thể đòi hỏi nền kinh tế tăng trưởng cao khi cả thế giới đang gồng mình chống dịch COVID-19.

“Tôi nghĩ bây giờ nên bỏ chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đi. Mục tiêu năm nay đơn giản là tăng trưởng ở mức độ tối đa có thể trong điều kiện giữ ổn định và an toàn tốt nhất về y tế. Đừng đưa ra bất kỳ một mục tiêu cụ thể nào, vì điều đó là vô nghĩa. Thế giới bây giờ cũng không nói được tăng trưởng sẽ là bao nhiêu”, TS. Tự Anh nói.

Vẫn theo chuyên gia, khi dịch COVID-19 bùng phát lần hai, bên cạnh những vấn đề cũ như xuất nhập khẩu gặp khó, chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư bị gián đoạn... nền kinh tế sẽ đối diện thêm những yếu tố mới.

“Thể trạng của nền kinh tế, bao gồm cả ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng đều đã mất sức rất nhiều qua đợt giãn cách đầu tiên. Thứ nữa việc dịch bệnh bùng phát cho thấy mức độ bất định của đại dịch này vô cùng khủng khiếp. Khiến doanh nghiệp không dám đầu tư, mở rộng sản xuất, người tiêu dùng với tâm lý lo sợ thì cũng khó mở hầu bao”, chuyên gia của Fulbright nhận định.

Cùng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng trong điều kiện hiện nay, tìm lời giải cho bài toán vừa chống dịch tốt vừa không để cho kinh tế sụp đổ… không dễ. “Dự báo GPD 6 tháng cuối năm cực kỳ khó, đang có nhiều kịch bản khác nhau. Nhưng yếu tố quyết định vẫn là khả năng kiểm soát dịch bệnh đến đâu. Dịch tái lại tác động mạnh hơn, lan rộng hơn, thiệt hại do đó có thể lớn hơn”, ông Long cho hay.

Để giảm thiểu thiệt hại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo TS Vũ Thành Tự Anh, chúng ta cần bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương gồm khu vực phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị tác động nghiêm trọng bởi COVID-19.

"Điều quan trọng nhất bây giờ là phải khu trú được những khu vực trong nền kinh tế bị tổn thương và hỗ trợ những khu vực này thật tốt. Để làm được điều này một cách hiệu quả, cần tiếp cận có trọng điểm và kịp thời. Chính quyền địa phương có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực thi và triển khai chính sách hỗ trợ, nhờ đó duy trì việc làm và hạn chế tối đa tổn thương cho doanh nghiệp và người dân”, TS. Vũ Thành Tự Anh cho hay.

Trong khi đó, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh đến việc Chính phủ cần tính đến các gói tài khoá thực chất hơn ngoài việc hoãn, giãn thuế phải nộp... để giúp doanh nghiệp lấy lại phong độ.

Nhận định về bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm, các chuyên gia vẫn e ngại sẽ khó có 1 kịch bản lạc quan bởi một trong những điểm tựa của kinh tế Việt Nam là kinh tế thế giới, nền tảng là các doanh nghiệp trong nước vừa và nhỏ, cũng như các khoản đầu tư nước ngoài. Trong khi đó cả ba yếu tố này đều đang bị suy giảm mạnh.

“Kinh tế thế giới vẫn đang tiếp tục suy giảm và suy giảm sâu. Nhìn vào các nền kinh tế lớn chưa nước nào thoát khỏi hoàn toàn dịch bệnh, không những thế còn có nguy cơ của một làn sóng dịch bệnh thứ 2. Vì vậy, kinh tế thế giới năm nay chắc chắn sẽ giảm sâu với mức giảm từ âm 5-6%. Trong khi đó nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở phụ thuộc nhiều vào các hoạt động xuất khẩu, ngoại thương và đầu tư nước ngoài nên đương nhiên kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng”, TS. Vũ Thành Tự Anh, đánh giá.

Cùng nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho biết, 8 tháng đầu năm các chỉ số về nhu cầu tiêu dùng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm trước điều này cho thấy sức cầu của thị trường yếu, sản xuất công nghiệp gặp khó khăn. Ngoài ra nguồn vốn FDI cũng đang bị chững lại.

“Hết 8 tháng, tổng vốn FDI vào Việt Nam chỉ đạt 19,5 tỷ USD giảm 13,7% vốn đăng ký. Giải ngân FDI hết 7 tháng giảm 4,1% nhưng hết 8 tháng lại giảm 5%, rõ ràng nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu bị chững lại. Trong khi đó thu ngân sách tiếp tục giảm và chi ngân sách tiếp tục tăng lên do phải phòng chống dịch bệnh và chi tiêu đầu tư công, dẫn đến khả năng thâm hụt ngân sách cao”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, kinh tế trong nước chưa hồi phục đã phải gánh chịu dịch tái bùng phát. Các hoạt động kinh tế vừa thiết lập như du lịch, hàng không, vận tải, lại rơi vào đình trệ.

“Khu vực quan trọng là khu vực doanh nghiệp họ đã phải gián đoạn hoạt động rất nhiều trong đợt dịch đầu tiên, bây giờ lại tiếp tục nhận làn sóng thứ 2. Số doanh nghiệp dừng hoạt động lại rất cao, tăng 70-78% so với năm trước. Trong khi đó, các “máy trợ thở” của nền kinh tế là các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, gói hỗ trợ an sinh...chưa phát huy hết vai trò”, ông Lực chia sẻ.

Còn theo TS. Vũ Thành Tự Anh, thể trạng của nền kinh tế, bao gồm cả ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng đều đã yếu đi rất nhiều qua đợt giãn cách đầu tiên. Thêm nữa việc dịch bệnh bùng phát cho thấy mức độ bất định của đại dịch này vô cùng khủng khiếp. Điều đó khiến doanh nghiệp không dám đầu tư, mở rộng sản xuất, người tiêu dùng với tâm lý lo sợ thì cũng khó mở hầu bao.

“Cả thế giới trong cơn đại hồng thủy, Việt Nam không thể không bị ngập nước, chúng ta chỉ có thể giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội bằng cách cố gắng giữ một tốc độ tăng trưởng kinh tế vừa phải, không tạo ra các xung đột lớn của khu vực doanh nghiệp, không làm cho các bất ổn về y tế chuyển thành khủng hoảng về mặt kinh tế, giữ được công ăn việc làm, tạo ra niềm tin trong xã hội”, TS. Vũ Thành Tự Anh cho hay.

Mục tiêu của Chính phủ là vừa chống dịch, vừa duy trì, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia không thể đòi hỏi nền kinh tế tăng trưởng cao khi cả thế giới đang gồng mình chống dịch COVID-19.

Để giảm thiểu thiệt hại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo các chuyên gia điều kiện tiên quyết là phải kiểm soát tốt dịch bệnh, ngoài ra Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh các gói hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc để giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Chúng ta đã có rất nhiều những gói hỗ trợ cả về tài khoá, tiền tệ, lẫn an sinh để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn tuy nhiên những gói hỗ trợ này chưa phát huy được vai trò của nó. Bằng chứng là chưa đến được các đối tượng khó khăn, doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Vì vậy các chính sách này cần phải được tiếp tục thực hiện một cách hiệu quả hơn. Ví dụ đối với gói hỗ trợ tín dụng, ngân hàng và doanh nghiệp nên có sự thoả hiệp với nhau trong các điều kiện cho vay, không hạ chuẩn cho vay nhưng nới lỏng hơn để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất.

Cũng theo ông Lực, thậm chí Chính phủ và các bộ, ban, ngành có thể xây dựng và triển khai các gói hỗ trợ mới để thực hiện trong quý 4 cũng như trong năm 2021 giúp cho năm 2021 tiếp tục có đà phục hồi kinh tế tốt hơn.

Ngoài kiểm soát dịch bệnh TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng trong lúc các khu vực như ngoại thương, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn thì đây là lúc vai trò Nhà nước trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vai trò này được thể hiện ở nhiều phương diện mà phương diện đầu tiên đó là đầu tư công.

Đầu tư công gần như là khoản đầu tư duy nhất có thể coi là miễn nhiễm với dịch COVID-19 bởi ngân sách đã có, các dự án đã có vấn đề là giải ngân nhanh nhất và sao cho có hiệu quả và minh bạch. Thậm chí trong giai đoạn này Nhà nước có thể huy động thêm nguồn lực để tăng đầu tư công vì khi đầu tư tư nhân suy giảm thì đầu tư công phải bù lại. Và ở đây đầu tư quan trọng nhất là liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng, đây cũng là sự chuẩn bị để cho nền kinh tế có thể phục hồi và tăng trưởng khi dịch suy yếu”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhận xét.

Một phương diện khác được ông Tự Anh đề cập đó là vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước.

Khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân gặp khó thì doanh nghiệp Nhà nước với vai trò là kinh tế chủ đạo cần phát huy tác dụng của mình, chia sẻ khó khăn cho các thành phần kinh tế khác. Mặc dù ai cũng biết doanh nghiệp Nhà nước cũng đang rất khó khăn nhưng với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế, chúng ta kỳ vọng vào sự thể hiện của nhân tố này nhiều hơn nữa”, ông Tự Anh nêu quan điểm.        

Lan Hương - Hoàng Hưng (Đồ họa: Hà Thành)

Tin mới