Lễ dâng hương, khai mạc hoạt động tôn vinh, quảng bá nghề thêu thủ công tại đình Tú Thị do UBND phường Hàng Gai, TP Hà Nội tổ chức nhằm kỷ niệm 362 năm ngày hoá của ông tổ nghề Thêu Lê Công Hành.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cùng lãnh đạo phường Hàng Gai và nghệ nhân thêu thực hiện nghi thức dâng hương.
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi (nghệ nhân nhân dân nghề thêu, phục chế trang phục cung đình) chia sẻ: “Từ nhiều đời nay, gia đình tôi giữ gìn nghề thêu truyền thống, đồng thời tạo ra những trang phục thời xưa cũng như trang phục cho cung đình. Vì vậy tôi được thừa hưởng, gìn giữ và nối tiếp cái nghề này”.
“Nghề thêu phục chế những trang phục trong cung đình là nét đẹp văn hoá từ xa xưa, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, mang nét đẹp truyền thống rất riêng. Từng mũi thêu đều là những gì tinh xảo và cầu kỳ nhất nên còn mang nét đẹp của sự tinh tế, tỉ mẩn. Nghề thêu đang được phát triển và tôi rất tự hào, may mắn khi đã được truyền nghề lại và tiếp quản để nghiên cứu kỹ hơn về văn hoá thời vua chúa ngày xưa”, nghệ nhân cho biết thêm.
Đình Tú Thị hiện nay ở số nhà 2A phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Xưa kia, là đất thôn Yên Thái, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - là nơi thờ ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành tên khai sinh là Trần Quốc Khải.
Đình có tên nôm là "Đình Chợ Thêu", tên chữ là "Tú Đình Thị" nghĩa là "Chợ đình Thợ Thêu". Trước đây, ngôi đình từng là nơi buôn bán, trao đổi các mặt hàng thêu. Đình Chợ Thêu được người dân Quất Động (huyện Thường Tín - Hà Nội) đến tụ cư tại kinh thành Thăng Long xây dựng vào năm 1891 (triều nhà Nguyễn), để thờ cụ Tổ nghề thêu là Lê Công Hành - người có nhiều công lao trong việc sáng tạo và phát triển nghề thêu ở nước ta.
Sau khi kết thúc lễ dâng hương, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, cùng các lãnh đạo quận, phường Hàng Gai đến nghe nghệ nhân Vũ Văn Giỏi giới thiệu, chia sẻ về kỹ thuật để thêu, phục chế trang phục cung đình.
Những bộ Long Bào do nghệ nhân thêu được trưng bày bắt mắt trong đình Tú Thị.
Nghệ nhân cho biết, để tạo ra được những bộ trang phục cung đình phải nắm chắc kĩ thuật thêu, tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ để tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, lãnh đạo phường Hàng Gai cùng người dân chăm chú chiêm ngưỡng những sản phẩm được trưng bày trong đình.
Các lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Gai chụp ảnh lưu niệm cùng nghệ nhân và mọi người trong làng.