Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chi tiền tỷ thuê HLV ngoại, HAGL và CLB TP.HCM chưa hết lo âu

(VTC News) -

CLB TP.HCM và HAGL đầu tư rất lớn trên băng ghế chỉ đạo, nhưng cả hai đội bóng đều đang ở trạng thái lo lắng khi V-League cận kề.

Cuối tháng 11/2020, HAGL công bố hợp đồng bom tấn khi bổ nhiệm Kiatisak Senamuang vào ghế HLV trưởng CLB. Đầu tháng 12, đến lượt CLB TP.HCM giới thiệu tân HLV Alexandre Polking.

Theo nhiều nguồn tin, Kiatisak và Polking đều nhận lương cao, không dưới nửa tỷ đồng/tháng. Đầu tư HLV ngoại tên tuổi, cả HAGL lẫn CLB TP.HCM đều mong muốn bước đột phá chuyên môn ở V-League 2021. Tuy nhiên, do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, hai đội bóng này đều đang gặp khó trong khâu chuẩn bị cho mùa giải mới.

Kiatisak vừa giúp HAGL thắng trận đầu tay ở Thiên Long tournament. 

Canh bạc tân binh 

Trong ngày nhận lời dẫn dắt HAGL, HLV Kiatisak khẳng định: trọng tâm huấn luyện của ông sẽ dồn vào lực lượng cầu thủ nội. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận ở V-League, ngoại binh vẫn đóng vai trò rất quan trọng, nếu không muốn nói là then chốt đến thành tích của các đội bóng. 

Chức vô địch của CLB Viettel in đậm dấu ấn của hai tiền đạo Bruno Cunha và Venancio Caique. Sài Gòn FC dù không có lực lượng nội binh nổi trội, nhưng 20 bàn thắng được ghi do công Pedro Paulo và Geovane Magno đã giúp đội bóng này có huy chương đồng.

Hầu như các đội V-League đều phụ thuộc vào ngoại binh. Sở hữu một tiền đạo giỏi, CLB sẽ đỡ lo lắng rất nhiều thứ. Đơn cử như Than Quảng Ninh, có nhiều cầu thủ trẻ trung, song có hai ngoại binh giỏi ghi bàn như Diego Fagan hay Jermie Lynch nên giải quyết được vấn đề.

Hà Nội FC như "hổ mọc thêm cánh" khi có Bruno. 

Ngược lại, SLNA có nội binh tốt, song ngoại binh quá dở như Alagie Sossieh hay Felipe Martins nên thi đấu thiếu ổn định. 

HAGL và CLB TP.HCM càng là minh chứng cho việc phụ thuộc thành tích vào chất lượng ngoại binh. Trong sáu năm đôn lứa trẻ của học viện JMG lên đá V-League, HAGL không tìm được cầu thủ giỏi nào để hỗ trợ Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn hay Lương Xuân Trường.

Ngoại binh HAGL kém đến mức rất ít cầu thủ được giữ quá một mùa giải (chỉ có Chevaughn Walsh hay Damir Memovic là ngoại lệ). Có mùa giải, HAGL thay đủ sáu lượt ngoại binh ở hai lượt, có cầu thủ tiền đạo đá hết 13 trận vẫn chưa ghi được bàn nào, phải sớm rời CLB dưới dạng thanh lý.

CLB TP.HCM của cựu HLV Chung Hae Seong cũng thay tám ngoại binh mùa trước, trong đó bộ đôi Jose Ortiz - Ariel Rodriguez ra đi sau vỏn vẹn chín trận đấu. Ngoại binh CLB TP.HCM kém đến mức dù chấn thương cả giai đoạn hai, Công Phượng vẫn là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất.

Không có ngoại binh tốt, nên HAGL hay CLB TP.HCM đá rất bất ổn, hiếm khi có chuỗi trận phong độ cao ở V-League. Mùa này, vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Bởi dù đầu tư HLV "xịn", nhưng cầu thủ ngoại của hai đội này đều giống như "canh bạc" đầy rủi ro về chuyên môn, thay vì là điểm tựa.

HLV Polking vẫn chưa biết trình độ ngoại binh CLB TP.HCM tốt đến đâu. 

HAGL đặt niềm tin vào Washington Brandao, tiền đạo mới ghi 28 bàn thắng trong tám năm chơi bóng chuyên nghiệp, trong đó mùa giải ghi nhiều bàn nhất cũng chỉ có vỏn vẹn 7 pha lập công.

Ở hàng thủ, HAGL mang về Kim Dong-su, trung vệ tu nghiệp ở đội trẻ Hamburg SV, nhưng nên nhớ, các ngoại binh Hàn Quốc của HAGL trước đây như Kim Bong Jin, Kim Jin Seo đều rất kém chất lượng.

Brandao và Kim Dong-su còn thiệt thòi hơn các cầu thủ khác khi chưa có thời gian hòa nhập với đội mới, lại chưa từng thi đấu tại V-League.

Tương tự, CLB TP.HCM chỉ giữ lại Pape Diakite từ mùa trước, và sẽ giao trọng trách ghi bàn cho hai ngoại binh Brazil vẫn đang trong... khu cách ly.

Cả hai đều chưa từng đá V-League, chưa có ngày nào tập cùng đồng đội mới. Đến những tiền đạo được quảng cáo là giàu kinh nghiệm như Ariel hay Ortiz còn thất bại, cơ hội thành công của tiền đạo mới là bao nhiêu?

Video: Ngoại binh kém góp phần khiến HAGL thua sáu trận liền ở V-League 2020 

Ở V-League, các đội vẫn trung thành với xu hướng dùng lại ngoại binh của nhau. Hà Nội FC lấy Bruno (Viettel), Geovane (Sài Gòn FC), Viettel lấy Pedro Paulo (Sài Gòn FC), Hà Tĩnh dùng Akinade Ismael (SHB Đà Nẵng), Kelly Kester (HAGL), hay Becamex Bình Dương lấy Victor Mansaray (Hà Tĩnh) và Pape Omar (Hà Nội FC).

Việc dùng lại ngoại binh, một mặt không mất thời gian kiểm chứng khả năng, một mặt giúp các CLB tránh rủi ro phải trả trăm triệu mỗi tháng cho một cầu thủ dở.

Kiatisak và Polking có đủ thời gian?

Trả lời phỏng vấn sau trận cuối của HAGL ở Thiên Long tournament, HLV Kiatisak thừa nhận: ông, cầu thủ và CĐV đều biết mình không có đủ thời gian chuẩn bị mùa giải. "Tôi sẽ cố gắng hết sức, rút ngắn các bài tập để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị", Kiatisak nhấn mạnh.

"Zico Thái" chỉ có hai tuần trọn vẹn làm quen với các cầu thủ mới. Con số của HLV Polking là ba tuần. Tất cả đều là quá ít ỏi để mong đợi những HLV tạo dấu ấn, bởi việc truyền tải triết lý, ý đồ cho cầu thủ là quá trình không thể "đốt cháy giai đoạn".

Kiatisak chưa có nhiều thời gian làm việc với học trò. 

HAGL và CLB TP.HCM khó chờ đợi thành công ngay lập tức. Nếu các đội có chơi tốt, có chăng chỉ đến từ hiệu ứng tâm lý khi có HLV trưởng mới. 

Áp lực cho Polking và Kiatisak càng lớn khi V-League duy trì thể thức cũ. Nếu mắc sai lầm ở lượt đi, các đội sẽ không thể sửa ở lượt về nữa. Sẽ có sáu đội bóng đua vô địch và tám đội bóng đua trụ hạng. Chắc chắn, HAGL và CLB TP.HCM không muốn nằm trong nhóm tám đội phía dưới.

Nhưng để đứng ở phía trên, với lực lượng dang dở và hai HLV "mới toanh", hai CLB này không dễ đi xa. Nên nhớ, Hà Nội FC hay Viettel vẫn rất mạnh. Bình Dương, SHB Đà Nẵng, Sài Gòn FC, Hà Tĩnh,... cũng không phải "dạng vừa".

Nhóm các đội này càng không phải đối diện vấn đề như HAGL và CLB TP.HCM gặp phải, như HLV có ít thời gian làm việc và ngoại binh chỉ đến ở sát ngày khởi tranh mùa giải.

Sẽ là mùa giải đầy khó khăn với HAGL và CLB TP.HCM, dù trong thâm tâm, cả hai đội bóng kỳ vọng rất nhiều ở V-League 2021. 

Hồng Nam

Tin mới