Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện: 'Tôi giúp cho rất nhiều người đầu tư và sinh lời'

(VTC News) -

"Tới giờ vẫn không để ai mất tiền, nhìn một cách nào đó công ty tôi giúp cho rất nhiều người đầu tư và sinh lời...", CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện trình bày tại tòa.

Sáng 10/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba). Đại diện VKSND TP.HCM tiếp tục phần thẩm vấn. 

Trả lời thẩm vấn, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba tiếp tục nói mình bị oan. Đáng nói, trong khi Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) và các nhân viên cấp dưới đều thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân đúng như cáo trạng thì Nguyễn Thái Luyện lại khẳng định “họ bị oan”.

Trong phần trả lời thẩm vấn trước đó, Nguyễn Thái Luyện lần đầu tiết lộ về số tiền 1.600 tỷ đồng huy động sau 15 tháng thành lập Công ty Alibaba. Xét hỏi Nguyễn Thái Luyện, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị Luyện làm rõ về việc từ đâu tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng sau hơn 15 tháng thành lập công ty, số tiền này có thật không và lấy từ đâu?

Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba.

Luyện khai, lý do công ty tăng vốn 1.600 tỷ đồng là do đối tác thực hiện dự án Tây Bắc - Củ Chi hứa góp. Sau đó, đối tác cho biết, Ban Quản lý dự án Tây Bắc - Củ Chi không đồng ý hợp tác nên đối tác của công ty đề nghị ngưng góp vốn. Luyện nói lúc này dự định sẽ đăng ký lại số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, là vốn thực chất Luyện có. 

Đại diện VKS tiếp tục hỏi tại thời điểm tăng vốn, bị cáo thực chất có 1.600 tỷ đồng tiền mặt hay không? Luyện vòng vo và cho biết có thực 1.600 tỷ đồng.

Khi VKSND hỏi về hợp đồng là đất thổ cư nhưng thực ra chỉ là đất nông nghiệp, Luyện cho rằng, đất nông nghiệp mà mình sở hữu có quy hoạch đất ở để thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

"Tôi làm dự án này đều dựa trên những cơ sở mà Luật Đất đai quy định... Khi tôi chia sẻ với khách hàng, rao bán đất cho khách hàng, tôi cũng nói rõ hiện tại đất đã được quy hoạch đất ở chưa chuyển đổi mục đích", Luyện trình bày.

Luyện cho rằng, hợp đồng đã ký là cơ sở pháp lý để 2 bên cùng thỏa thuận, hợp đồng được lập, khách hàng cũng đồng ý như vậy nên không có sự gian đối nào ở đây.

"Tới giờ vẫn không để ai mất tiền. Nhìn một cách nào đó, công ty tôi giúp cho rất nhiều người đầu tư và sinh lời. Bản thân tôi nhất quán với những gì đã làm từ trước đến nay", Luyện khai.

Trả lời VKS, Luyện liên tục chối tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Luyện nói đất mua làm dự án là đất nông nghiệp có quy hoạch, do đó mới có chuyện giá cao hơn thị trường. Luyện còn khai đã thống nhất vấn đề này với khách hàng, khách hàng đồng ý mới làm hợp đồng. Trong khi đó, tài liệu của cơ quan điều tra chứng minh Công ty Alibaba hợp đồng ký chuyển nhượng cho khách thể hiện đất bán là thổ cư.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng 22 pháp nhân đã thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 "dự án ma". Sau đó, bị can thông qua Công ty Alibaba quảng cáo bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho hàng nghìn khách hàng.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Công an TP.HCM xác định, tính đến ngày 20/1/2022 đã có 4.361 nạn nhân gửi đơn trình báo, tố giác với số tiền bị chiếm đoạt là 2.400 tỷ đồng. Trong đó, Công an TP.HCM đã làm việc với 3.999 nạn nhân, còn 362 trường hợp không đến làm việc.

Thy Huệ

Tin mới