Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan thuộc địa phận Đà Nẵng triển khai từ tháng 8/2023 nhưng đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư-Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh không thể thi công theo dự tính vì không có mặt bằng.
Bàn giao mặt bằng quá chậm
Đến nay Đà Nẵng mới chỉ bàn giao cho chủ đầu tư khoảng 3km/11,5km mặt bằng toàn bộ dự án.
Ghi nhận của PV, toàn tuyến mới chỉ có một vài điểm đang được chủ đầu tư thi công gồm đoạn gần nút giao Hòa Liên và đoạn gần nút giao với đường Hoàng Văn Thái.
Một đoạn thuộc dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Trong đó, đoạn gần nút giao Hòa Liên hiện có mặt bằng dài khoảng 400m được đơn vị thi công san ủi nền móng đường nhưng hiện hoạt động cầm chừng vì không còn mặt bằng sạch.
Còn tại nút giao Hoàng Văn Thái, chủ đầu tư đang thi công hạng mục mố cầu và tiếp tục chờ Lãnh đạo Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh cho biết, đến hiện tại, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) mới chỉ bàn giao cho Ban được 217/1.129 thửa đất, tương đương tổng chiều dài khoảng 3km/11,5km của tuyến chính cao tốc và khoảng 1/20km đường gom dự án. Trong số này vẫn chủ yếu là mặt bằng đã có sẵn từ Dự án đường Hồ Chí Minh trước đây với chiều dài 1,85km.
“Bàn giao mặt bằng không đạt yêu cầu nên phương tiện, máy móc chúng tôi tập trung để thi công đành phải nằm chờ”, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Cũng theo chủ đầu tư, mặt bằng được bàn giao không liên tục, không đồng bộ trên cả tuyến chính và đường gom khiến quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, nhất là việc điều phối đất từ đào sang đắp. “Dự án tận dụng đất đá tại chỗ là đất đắp nền K95 nhưng tại những vị trí này không có mặt bằng nên không thể lấy đất để đắp nền tại những vị trí khác”, chủ đầu tư giải thích.
Cạnh đó, tuyến cao tốc này được mở rộng trên trục tuyến đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan, tuyến có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn nên không có mặt bằng đồng bộ cả tuyến chính và đường gom sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông trong quá trình thi công.
Thực tế khó khăn, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh phải kiến nghị huyện Hòa Vang ưu tiên giải phóng mặt bằng 4 đoạn với chiều dài khoảng 6km. Cụ thể, các thửa đất cần bàn giao sớm cho dự án gồm thửa đất thuộc phạm vi giao cắt với tuyến ĐT602, nút giao Hoàng Văn Thái, một số thửa đất thuộc vị trí nền đào, xử lý đất nền yếu, tường chắn.
Nút giao Hoàng Văn Thái đang được đơn vị thi công triển khai.
Địa phương khó đủ đường
Ông Trần Văn Hiếu, Phó Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang cho biết, vướng mắc lớn trong giải phóng mặt bằng là quá trình đo đạc các hồ sơ đất đai giữa thực tế và trên giấy tờ có nhiều khác biệt. Nhiều lô đất bị chồng lấn, nhiều lô đất bán qua nhiều chủ và đến nay không xác định được người đang sở hữu.
Thêm nữa, hiện dọc tuyến Hòa Liên-Túy Loan có khoảng 30 trường hợp làm nhà trên đất nông nghiệp. Người dân không thống nhất với mức bồi thường, không chịu di dời đến các khu tái định cư ở địa bàn khác… khiến công tác giải phóng mặt bằng càng khó khăn.
Theo Ban Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, việc vận động di dời các hộ thuộc dự án thì cần bố trí hơn 630 lô đất. Nhưng hiện nay các khu tái định cư xây dựng để phục vụ bố trí cho các hộ thuộc diện di dời của dự án mới đang triển khai thủ tục trong khi quỹ đất tái định cư của thành phố không đủ để đáp ứng.
Để gỡ khó, UBND TP Đà Nẵng thống nhất cho điều phối bố trí về các khu tái định cư trên địa bàn huyện Hòa Vang và cả quận Liên Chiểu. Tuy nhiên, đa số các hộ dân sinh sống lâu đời tại địa phương và là người theo đạo nên muốn bố trí tái định cư gần khu vực giải tỏa để tiện sinh hoạt tín ngưỡng.
“Chủ tịch UBND huyện và đơn vị liên quan tổ chức tiếp dân nhưng cũng để nắm nguyện vọng chứ chưa có hướng giải quyết cụ thể”, ông Hiếu cho biết.
Liên quan vấn đề này, trả lời VTC News, ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, theo kế hoạch, huyện cố gắng hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao 6km của 4 đoạn ưu tiên trước ngày 30/4. Những hồ sơ nhận tiền bồi thường thì ưu tiên làm cho sạch mặt bằng để bàn giao. Theo hạn Chính phủ yêu cầu 30/6 hoàn thành bàn giao mặt bằng toàn tuyến thì huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục làm nhưng rất khó đạt được.
“Hiện 3 xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn thành lập 3 tổ hỗ trợ thi công, ngày nào cũng phải tiếp dân, tập trung tháo gỡ vướng mắc. Chúng tôi sẽ nỗ lực làm từng bước, xong đất nông nghiệp rồi sẽ qua đất ở”, ông Tôn cho biết.
Không có mặt bằng, máy móc thi công công trình phải nằm một chỗ.
Đối với những trường hợp làm nhà trên đất nông nghiệp, ông Tôn cho biết, theo quy định, những hộ làm nhà có nguồn gốc từ đất nông nghiệp có nguồn gốc từ trước năm 2014 mà không có chỗ ở nào khác thì khi giải tỏa được bố trí tái định cư và huyện đã báo cáo thành phố triển khai.
“Người dân ở đây có nguồn gốc đất là từ ông bà để lại chứ không phải lấn chiếm hay tranh thủ vào làm nhà để được bố trí tái định”, ông Tôn nói và cho biết thêm sẽ tiếp tục tiếp dân, vừa vận động vừa thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng.
Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chiều dài đoạn tuyến khoảng 11,5km đi qua 3 xã Hòa Liên, Hòa Sơn và xã Hòa Nhơn của huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.
Điểm đầu dự án tiếp giáp nút giao Hòa Liên (cuối tuyến La Sơn-Hòa Liên) và điểm cuối tại vị trí tiếp giáp nút giao Túy Loan (điểm đầu cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi). Dự án có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m nhưng giai đoạn phân kỳ này sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 22m, bề rộng mặt đường 14m.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.113 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 951 tỷ đồng.