Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cận cảnh cây cầu vòm thép 65 tỷ đồng ở Hà Nội vắng người qua lại

(VTC News) -

Việc đầu tư 65 tỷ đồng xây cầu vòm thép bắc qua hồ Linh Đàm (Hà Nội) được đánh giá là chưa hiệu quả bởi sau 6 tháng thông xe cây cầu này vẫn vắng người qua lại.

Cầu vòm thép Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

Cây cầu dài gần 300 m, được thiết kế dành cho xe máy, đi thấp dưới gầm cầu vành đai 3.

Dù được đưa vào khai thác từ cuối năm 2022, nhưng rất ít xe máy lưu thông qua cây cầu này. Theo ghi nhận của PV VTC News, vào giờ cao điểm cũng chỉ lác đác vài phương tiện di chuyển qua đây. Hầu hết xe máy vẫn di chuyển qua hồ Linh Đàm bằng hai làn xe cơ giới được xây dựng trước đó.

Nhiều đoạn vỉa hè tại cầu vòm thép trở thành các bãi đỗ xe ô tô của người dân sinh sống xung quanh. “Tôi thấy cầu vòm thép này rất vắng xe đi qua, vỉa hè lại thông thoáng nên đánh xe ra đây đỗ", một tài xế chia sẻ.

Đang đạp xe đi qua cầu vòm thép bắc qua Linh Đàm, ông Nguyễn Việt An (68 tuổi) cho biết: "Rất ít xe máy di chuyển qua cầu, đa phần là người dân tập thể dục hoặc đi xe đạp vào khoảng sáng sớm hoặc chiều muộn. Cả cây cầu đẹp và tốn tiền như thế này mà ít người sử dụng, thật là lãng phí”.

Cây cầu có dầm, lan can làm bằng sắt. Hệ thống chịu lực chính của cầu là 2 dàn thép được thiết kế cách điệu dạng hình vòm.

Không được khai thác hiệu quả nên cây cầu bị rác thải bủa vây.

Tại buổi họp báo ngày 30/6, lý giải về việc cầu vòm thép 65 tỷ đồng vắng người qua lại, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, việc đầu tư xây cầu được "dự báo theo nhu cầu của tương lai", đặc biệt là khu vực Hoàng Mai, Linh Đàm với dự báo phát triển dân số rất lớn trong thời gian tới. "Do đó, việc đi trước đón đầu để xây dựng cầu vòm sắt là cần thiết", ông Hải nói.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thủy - người đã có gần 40 năm nghiên cứu về lĩnh vực giao thông - cho rằng việc xây cầu vòm thép "theo nhu cầu của tương lai" là chưa hợp lý, gây lãng phí lớn, bởi "không ai làm một cây cầu 65 tỷ đồng mà để tắc đường thì người dân mới sử dụng". TS Nguyễn Xuân Thủy nói: “Muốn xây dựng cầu vượt để giảm ùn tắc giao thông cần phải đáp ứng những yếu tố sau: Dòng người và dòng phương tiện phải đảm bảo bao nhiêu trong một giờ; Thời điểm làm phải trong lúc kinh tế đang sôi động; Làm với chi phí thấp nhất; Làm đúng tiến độ; Đảm bảo chất lượng tốt, hiệu quả cao”.

Ngô Nhung

Tin mới