Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Căn bệnh khiến chàng trai da đỏ, sần sùi như khúc gỗ

(VTC News) -

N.T.T (21 tuổi, Phú Thọ) bị vảy nến từ năm 8 tuổi, chạy chữa nhiều nơi mà không khỏi, cơ thể ngày càng sẩn đỏ, bong vảy, đau nhức.

N.T.T mắc bệnh vảy nến từ năm 8 tuổi. Ban đầu, bệnh chỉ xuất hiện dưới dạng các mảng da nhỏ nhưng sau đó lan rộng khắp cơ thể. Điều này khiến anh rất khó chịu và mất tự tin. Đặc biệt vào mùa đông khi da khô và nứt nẻ, những mảng vảy chảy máu gây đau đớn.

"Tôi cảm thấy tự ti và giao tiếp xã hội bị hạn chế nhiều," anh chia sẻ.

T. cho biết suốt 7 năm anh điều trị tại nhiều cơ sở y tế ở địa phương và trung ương, sử dụng các loại thuốc bôi có chứa Corticosteroid, dưỡng ẩm và chiếu tia UVB. Tình trạng bệnh của T. có thuyên giảm nhưng sau vài năm lại tái phát nặng hơn.

Mới đây N.T.T nhập viện Bạch Mai trong tình trạng tổn thương da dày đặc khắp cơ thể, kèm tổn thương móng rỗ, mủn và đau khớp.

 Bệnh nhân trước khi điều trị.

ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, khi được sử dụng thêm thuốc ức chế miễn dịch Methotrexate, bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ và tổn thương da tiếp tục tiến triển. Bệnh nhân phải dành nhiều thời gian hàng ngày để bôi thuốc, chăm sóc tổn thương da, ảnh hưởng lớn đến việc học tập và công việc.

Tại Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, N.T.T được thăm khám, làm các xét nghiệm để xác định tình trạng bệnh nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

"Với tình trạng bệnh vảy nến tiến triển, sử dụng các thuốc truyền thống không mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn, các bác sĩ quyết định sử dụng thuốc sinh học để điều trị vảy nến cho T.", bác sĩ Nghĩa cho hay.

Sau 1 tháng điều trị, tổn thương da của bệnh nhân giảm rõ rệt, không còn dày hay bong vảy, đau khớp cũng không còn. Tình trạng của bệnh nhân cải thiện 80% so với lúc vào viện, sinh hoạt hàng ngày trở lại bình thường. Bệnh nhân tự tin giao tiếp xã hội, không còn e ngại gặp người lạ.

Bác sĩ Nghĩa chia sẻ, khác với các loại thuốc thông thường chữa trị bệnh vảy nến cần uống, bôi liên tục hàng ngày với hiệu quả trung bình và nhiều tác dụng phụ, thuốc sinh học chỉ cần tiêm định kỳ 1 đến 3 tháng một lần tùy loại, hiệu quả rất cao và ấn tượng.

Thuốc sinh học điều trị vảy nến là những loại thuốc được sản xuất từ các sinh vật sống như vi khuẩn hoặc tế bào động vật, khác với các loại thuốc truyền thống được tổng hợp hóa học. Thuốc sinh học nhắm vào các phân tử cụ thể trong hệ thống miễn dịch, giúp kiểm soát các phản ứng viêm gây ra vảy nến.

“Tác dụng của thuốc sinh học thường nhanh chóng và hiệu quả hơn trong việc giảm triệu chứng và kiểm soát bệnh so với các thuốc truyền thống. Hiệu quả của thuốc sinh học có thể duy trì trong thời gian dài, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân”, bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh.

Nguyễn Ngoan

Tin mới