Ths.BSCKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Trung ương, cho biết bệnh vảy nến (psoriasis) là một trong những bệnh da mạn tính thường gặp. Bệnh có thể xảy ra mọi lứa tuổi, trong đó cả trẻ em. Với trẻ em, tuổi trung bình khởi phát bệnh là từ 7 đến 10 tuổi. Bệnh biểu hiện bởi những sẩn, mảng đỏ, bong vảy trắng ở trên da.
“Bệnh vảy nến là bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát để bệnh ổn định và không bùng phát”, bác sĩ Thành nói.
Bệnh thường liên quan đến một số rối loạn chuyển hóa như béo phì, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch và bệnh lý viêm ruột. Bệnh nhân vảy nến thường có thói quen ăn uống không cân bằng như ăn nhiều chất béo hơn và ăn ít cá hoặc chế độ ăn ít chất xơ. Những thói quen ăn uống như vậy có thể liên quan đến khởi phát và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Bệnh vảy nến chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác nhân, trong đó có tác nhân đến từ thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ. (Ảnh minh hoạ)
5 nhóm thực phẩm nên ăn nếu bị vẩy nến
Th.s Nguyễn Tiến Thành chia sẻ, người bị vảy nến nên bổ sung 5 nhóm thực phẩm dưới đây:
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Sử dụng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp loại bỏ được các độc tố trong cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các phản ứng viêm da.
Các loại thức ăn như bắp cải đỏ, củ cải đỏ, cải Brussel, rau chân vịt, rau diếp, súp lơ, cà rốt, dưa chuột, khoai tây, bưởi, lê, dứa, dưa hấu, nho, cam, mận, lựu, nam việt quất, quả anh đào, kiwi, táo đỏ, quả mâm xôi, quả óc chó, quả hồ đào… là các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa mà người bị vảy nến nên sử dụng thường xuyên.
Thực phẩm giàu axit béo omega-3
Axit béo omega-3 tác dụng ngăn chặn các phản ứng viêm trong cơ thể, đặc biệt ức chế các chất gây viêm leucotriene 3 và 5 trong bệnh vảy nến. Axit béo omega-3 có nhiều trong cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá mòi. Các loại hạt mè, hạt lanh, hạt hướng dương, quả óc chó.
Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm làm tăng cường khả năng miễn dịch, chống các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có bệnh vảy nến.
Các thực phẩm như các loại ngũ cốc thô, ngũ cốc qua sơ chế (yến mạch, gạo lức, hạt quinoa), các loại đậu, hải sản (nghêu, sò, ốc, hàu…), gan, thịt đỏ, trứng, sữa tươi, sữa chua, các loại rau, củ và trái cây (nấm, rau chân vịt, xúp lơ xanh, cải xoăn, tỏi,..)… rất giàu kẽm. Đây là một nguồn dinh dưỡng rất tốt cho người bệnh vảy nến.
Các nhóm thực phẩm người bị vảy nến nên ăn. (Ảnh minh hoạ)
Thực phẩm giàu folate (axit folic)
Folate cũng giữ vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể, ngăn chặn sự hình thành leukotriene – nguyên nhân khiến bệnh vảy nến trầm trọng hơn.
Folate có nhiều trong các loại thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, rau có màu xanh sẫm, các loại đậu và ngũ cốc.
Thực phẩm giàu Beta-carotene
Các bệnh nhân vảy nến nên bổ sung thực phẩm giàu beta carotene như cà rốt, cà chua, bí đỏ, bơ, xoài, đu đủ, đào, dưa hấu, gấc, ớt vàng, ớt đỏ, cần tây, rau dền,… vào khẩu phần ăn hàng ngày để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.
Vảy nến kiêng ăn gì?
Ngoài việc thường xuyên sử dụng các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, bác sĩ Thành khuyến cáo nên hạn chế ăn các chất béo bão hòa, thịt đỏ, carbohydrate đơn giản, hoặc rượu làm trầm trọng thêm bệnh vảy nến.
Thịt đỏ và sữa
Cả thịt đỏ và sữa đều chứa loại axit béo không bão hòa đa gọi là axit arachidonic. Nghiên cứu chỉ ra các sản phẩm phụ của axit arachidonic có thể đóng vai trò tạo ra các tổn thương vẩy nến. Thực phẩm mà người bị vảy nến cần tránh bao gồm: thịt đỏ, đặc biệt là thịt bò xúc xích, thịt xông khói và các loại thịt đỏ chế biến khác, trứng.
Thực phẩm chế biến
Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến, nhiều calo có thể dẫn đến béo phì, hội chứng chuyển hóa và một loạt các tình trạng sức khỏe mãn tính. Thực phẩm cần tránh gồm: thịt chế biến, sản phẩm thực phẩm đóng gói sẵn, trái cây và rau quả đóng hộp, bất kỳ thực phẩm chế biến nào có nhiều đường, muối và chất béo.
Bệnh nhân vảy nến nên kiêng ăn thịt đỏ. (Ảnh minh hoạ)
Carbohydrate đơn giản
Các loại carbohydrate đơn giản (sucrose, fructose) được ghi nhận là thực phẩm có thể kích hoạt đợt nặng lên của tổn thương vảy nến, do làm tăng nặng các stress oxy hóa và phản ứng viêm. Mô hình chuột thực nghiệm với chế độ ăn giàu fructose có nồng độ IL-17F cao hơn nhóm đối chứng.
Một nghiên cứu khác cho thấy, béo phì không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến bệnh vảy nến mà chế độ ăn nhiều carbohydrate đơn cũng có vai trò quan trọng.
Rượu
Sự bùng phát tự miễn dịch liên quan đến sức khỏe của hệ thống miễn dịch. Rượu là tác nhân gây bệnh vảy nến do tác dụng đột phá của nó vào hệ thống miễn dịch. Nếu bạn bị bệnh vảy nến, tốt nhất nên hạn chế uống rượu.
Mặc dù mối liên hệ giữa rượu và bệnh vảy nến chưa thật sự rõ ràng, nhưng các chuyên gia cho rằng những người bị vảy nến nên hạn chế uống rượu.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, những người uống nhiều rượu cũng không đáp ứng với các phương pháp điều trị bệnh vảy nến. Còn theo một số nghiên cứu khác, người bị bệnh vảy nến có tiến triển tốt hơn khi họ giảm hoặc ngừng uống rượu.
Trong trường hợp tình trạng bệnh đặc biệt nghiêm trọng hoặc bệnh nhân phải dùng một số loại thuốc điều trị, như methotrexate và acitretin thì bác sĩ sẽ yêu cầu không được uống rượu.
Ths.BSCKII Nguyễn Tiến Thành cho biết, điều chỉnh chế độ ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh vảy nến, bên cạnh sử dụng các thuốc đặc trị. Khi sử dụng bất kỳ một loại thực phẩm nào mà tình trạng bệnh vảy nến của mình trở nên xấu hơn, bạn nên tránh không tiếp tục dùng các sản phẩm đó nữa.