Tối 4/4, HLV Philippe Troussier đăng tải bức "tâm thư" trên trang Facebook cá nhân. Chưa bao giờ dư luận đọc hay nghe được nội dung tương tự như vậy từ nhà cầm quân người Pháp. Khi đã đi qua 70 năm cuộc đời, cách ông Philippe Troussier tự sự trong một bài đăng được giới hạn "bạn bè" khiến tất cả phải suy ngẫm.
Ly rượu tự trọng
Xin được trích lại một phần quan trọng trong bài đăng của HLV Troussier: "Với những cổ động viên cuồng nhiệt của bóng đá Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn và lời xin lỗi chân thành nhất. Sự nhiệt tình không ngừng nghỉ của các bạn đã là nguồn cảm hứng cho đội tuyển Việt Nam và tôi vô cùng khiêm nhường trước những lời động viên của các bạn ngay cả trong lúc không hài lòng.
Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt nhất và những lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả những ai đã tham gia vào cuộc hành trình này. Đó là một vinh dự và đặc ân đối với tôi, và tôi mãi mãi biết ơn cơ hội được phục vụ đất nước Việt Nam".
HLV Troussier viết tâm thư trên trang cá nhân.
Hãy tin rằng đó là lời nói từ tận đáy lòng của HLV Troussier. Người đàn ông này đi qua làn sóng chỉ trích dữ dội chưa từng có của dư luận. Là một nhà sản xuất rượu vang truyền thống của Pháp, ông Troussier chọn được một ly rượu ngon nhất và sang trọng nhất - ly rượu tự trọng.
HLV Philippe Troussier không chọn cách "khư khư" giữ chiếc ghế của mình. Ông cũng không đòi hỏi mức đền bù "trên trời" khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) muốn kết thúc hợp đồng. Giao kèo giữa đôi bên chỉ tự động dừng lại khi đội tuyển Việt Nam không vượt qua vòng loại World Cup 2026 - điều chưa xảy ra lúc này.
Ông Troussier không làm khó VFF khi làn sóng đòi sa thải mình lên cao.
"Trong suốt cuộc hành trình vừa qua, tôi cảm thấy nặng lòng khi thừa nhận những kết quả thất vọng của đội tuyển Việt Nam ở Vòng loại World Cup 2026. Với tư cách là HLV trưởng, tôi chịu trách nhiệm về những kết quả này và tôi chấp nhận trách nhiệm của mình đối với tất cả mọi người", chiến lược gia này viết.
Thất bại là điều bình thường trong bóng đá. Một huấn luyện viên trưởng không mang lại thành tích thì phải chấp nhận với chỉ trích. Nhưng, khi họ đã trả giá bằng công việc, uy tín của mình và đưa ra một lời xin lỗi từ đáy lòng, đây là lúc mọi chuyện khép lại.
Guồng quay của bóng đá Việt Nam vẫn phải tiếp tục bằng cách xóa đi phép thử lỗi.
Bài học quý giá
Thất bại của HLV Troussier nói lên nhiều vấn đề của bóng đá Việt Nam. Ai cũng hiểu rằng sau 5 năm thành công rực rỡ của HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam ở giai đoạn thoái trào. Chuyện thay máu lực lượng để trở lại đường đua và hướng đến mục tiêu cao hơn là điều bắt buộc.
Khi kí hợp đồng với VFF, bản kế hoạch và ý tưởng xây dựng đội bóng của ông Troussier không sai. Ở tầm vĩ mô, kế hoạch này vẫn có giá trị, mang tính tham chiếu quan trọng với các nhà quản lý cho dù ông Philippe Troussier đã rời nhiệm sở.
Đội tuyển Việt Nam phải thay đổi cách chơi bóng để có thể mơ về đấu trường World Cup lần đầu tiên trong lịch sử.
Đội tuyển Việt Nam nhận thất bại trước Indonesia.
Không thể giành vé World Cup chỉ bằng hàng phòng ngự 10 người. HLV Park Hang Seo đã thử và thất bại. Đừng quên rằng ông là người phù hợp nhất với bóng đá Việt Nam, sở hữu lứa cầu thủ tài năng và có phong độ ấn tượng chưa từng thấy.
Đội tuyển quốc gia là nơi hộ tụ tinh hoa sức mạnh của cả một nền bóng đá. Nhưng sau một giai đoạn có nhiều thế hệ cầu thủ xuất sắc từ 1995-1999 và thêm một số tài năng Quế Ngọc Hải, Nguyễn Huy Hùng, Đặng Văn Lâm, bóng đá Việt Nam đang ở trạng thái báo động về tính kế cận.
HLV Troussier tin dùng cầu thủ trẻ là đúng, nhưng nói ông trả giá đắt bằng chính chiếc ghế của mình vì các học trò cũng không sai chút nào.
Thanh Bình, Minh Trọng, Tuấn Tài hay Văn Khang liên tục mắc lỗi dẫn đến nhiều bàn thua của đội tuyển Việt Nam. Thái Sơn, Đình Bắc hay Văn Tùng chơi khá hơn nhưng cũng chỉ dừng ở mức tròn vai. Họ không tạo ra khác biệt như cách Công Phượng, Quang Hải thể hiện khi còn trẻ.
HLV Troussier không thành công cùng bóng đá Việt Nam.
Chưa kể, nhiều hệ lụy từ V.League khiến cầu thủ bị ảnh hưởng. Một số cầu thủ cứ "mặc nhiên" phạm lỗi rồi phải nhận án phạt nặng từ trọng tài quốc tế. Đơn giản, họ đã hình thành thói quen này khi chơi bóng ở câu lạc bộ. Một bộ phận trọng tài nội không cương quyết khi ra án phạt với lỗi trên sân của cầu thủ.
V.League là một chân đế quan trọng của đội tuyển quốc gia. Nhưng định hình lại giải đấu, nâng tầm nền bóng đá không phải chuyện mà bất kì huấn luyện viên ngoại nào có thể làm được.
Sau huấn luyện viên Troussier, bóng đá Việt Nam rồi sẽ có một nhà cầm quân ngoại khác đến làm việc. Từ những gì ông Troussier phải trải qua, chỉ mong rằng người kế nhiệm ông sẽ không phải độc hành trên con đường dài đến với World Cup của bóng đá Việt Nam.