Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nếu chỉ nếm hoặc nhìn thì rất khó phân biệt được rượu thường hay rượu chứa cồn công nghiệp methanol.
Nói cách khác, không thể phân biệt được rượu chứa cồn công nghiệp methanol nếu chỉ dựa vào cảm quan thông thường. Vì thế người dân cần cảnh giác với loại rượu không nhãn mác, giá “siêu rẻ”, thậm chí chỉ vài nghìn đồng mỗi lít. Bởi rất có thể đó là rượu pha cồn công nghiệp methanol.
Chung quan điểm, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho biết, nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không.
Trong dân gian có hai cách phân biệt rượu thật và giả là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp.
Một mẫu rượu chứa cồn methanol. (Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai).
Đối với cảm quan bên ngoài thì chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu...
Ngoài ra có thể ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt. Còn cách nữa có thể áp dụng khá chính xác là đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt.
Rượu có chứa methanol thường có vị hơi ngọt. Do vậy, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần sử dụng rượu có nguồn gốc, thuộc các cơ sở có thương hiệu uy tín và không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường.
Sơ cứu ngộ độc methanol
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, tuỳ vào mức độ ngộ độc methanol mà có thể đưa ra các cách xử lý khác nhau.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh, thì có thể cho bệnh nhân ăn uống đầy đủ. Đặc biệt là các thức ăn chứa tinh bột, chứa đường. Bên cạnh đó cần giữ ấm cho bệnh nhân, không để bệnh nhân tự đi lại, qua đó theo dõi về thể trạng tinh thần; tuyệt đối không được để bệnh nhân ra ngoài hay điều khiển phương tiện giao thông.
Trong trường hợp bệnh nhân không tỉnh, tức là người bệnh chỉ nói được vài từ, ú ớ, thở khò khè thì cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang 1 bên (quay cả người và đầu sang bên phải là tốt nhất) để bệnh nhân dễ thở.
Mọi người tiếp tục giữ ấm cho bệnh nhân, kèm quan sát. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở, tím tái thì cấp cứu theo điều kiện tại chỗ đồng thời gọi ngay cho trung tâm cấp cứu để đưa bệnh nhân tới bệnh viện trong điều kiện sớm nhất.
Theo BS Nguyên, hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc methanol đều được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nặng, đe doạ tử vong. Vì vậy, việc quan trọng nhất là làm sao đưa bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt để tránh những di chứng nặng nề như mù mắt, tổn thương não hay hôn mê.