Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, từ đầu tháng 8/2018 tới nay, bệnh viện tiếp nhận và cấp cứu khoảng 20 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu dẫn tới nguy kịch.
Trường hợp đầu tiên là một nam bệnh nhân có tên H.V.T (57 tuổi). Theo gia đình người bệnh, sau khi uống quá nhiều rượu, anh này bắt đầu thấy có triệu chứng mệt mỏi, khó thở.
Ngay lập tức, anh T. được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn trong tình trạng nguy kịch, suy thận, hôn mê sâu, co giật và ngừng tim. Nhưng do được cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Một trường hợp bị ngộ độc rượu được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn
(Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Trường hợp tiếp theo phải kể đến là một bệnh nhân P.V.Q ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Bệnh nhân uống nhiều rượu nên dẫn tới tình trạng tương tự như nam bệnh nhân trước, bị hôn mê sâu và đang có dấu hiệu ngừng tim, rất nguy hiểm. Do được các bác sĩ tận tình cứu chữa mới may mắn sống sót.
Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn nhận định, ngộ độc rượu gây ra những hậu quả nghiêm trọng, có thể làm chậm hoặc ngừng chức năng hô hấp và tuần hoàn.
Nguy hiểm hơn, ngộ độc rượu có thể làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, đau bụng, nôn mửa, suy gan và thận.
Nếu như uống rượu trong khoảng thời gian dài, người bệnh dễ bị chán ăn, sút cân, đi ngoài nhiều lần do tổn thương gan và ruột, da xanh, thoái hóa gan, xơ gan, ung thư gan, mất trí nhớ, rối loạn tâm thần, thậm chí dẫn đến thiệt mạng nếu không được cấp cứu và xử lý kịp thời.
Uống nhiều rượu gây hại gan, thận và làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thậm chí dẫn tới thiệt mạng
Do đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi phát hiện thấy các triệu chứng của ngộ độc rượu, người bệnh cần được bổ sung nước ngay (có thể dùng nước gừng tươi, chè xanh hoặc nước cam để giảm ngộ độc).
Sau đó, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Trong đó, đặc biệt chú ý, không nên cho bệnh nhân uống các loại thuốc bổ gan, thận để giải độc rượu và không được tự ý điều trị cho bệnh nhân tại nhà.
Ngoài ra, người dân cần chú ý đề phòng ngộ độc rượu bằng cách không nên sử dụng nhiều rượu, khi uống cần chú ý không được dùng các loại rượu chưa được cấp phép lưu hành hoặc các loại rượu có nồng độ cồn trên 30 độ trở lên.
Bên cạnh đó, đặc biệt nghiêm cấm trẻ em dưới 16 tuổi, người cao tuổi và những người đang bị các bệnh mãn tính như: huyết áp, đái tháo đường hay tim mạch sử dụng rượu. Bởi những người này sẽ có nguy cơ bị ngộ độc rượu cao hơn người bình thường.
Triệu chứng khi bị ngộ độc rượu như sau:
Mơ màng, hay nhầm lẫn, nôn mửa
Co giật, động kinh
Thở chậm (dưới 8 lần thở/phút), thở không đều (khoảng cách giữa các lần thở kéo dài hơn 10 giây)
Da xanh xao, nhợt nhạt, nhiệt độ cơ thể thấp (hạ thân nhiệt)
Bất tỉnh, không thể đánh thức.
Video: Ngộ độc rượu gia tăng, bệnh viện 'vỡ trận'
>>> Đọc thêm: Cháu bé 12 tuổi, mang 6 bệnh nguy hiểm từ cõi chết trở về