Số người chết của nước này vì dịch cho tới hết ngày 19/6 là 48.954, tăng 1.085 trường hợp so với 1 ngày trước đó.
Brazil xác nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 26/2. Dịch bệnh lây lan chóng mặt trên khắp quốc gia Nam Mỹ, làm dấy lên quan ngại về sự sụp đổ kinh tế của đất nước này.
Các chuyên gia lo ngại mức độ bùng phát dịch thực sự của Brazil có thể vượt xa các số liệu thống kê chính thức do sự thiếu hụt trong xét nghiệm. "Con số 1 triệu người nhiễm ít hơn nhiều so với số người thực sự nhiễm bệnh. Con số thật có lẽ ít nhất là 3 triệu và thậm chí có thể lên tới 10 triệu", ông Alexandre Naime Barbosa, Giáo sư y khoa tại Đại học bang São Paulo cho biết.
Với hơn 1 triệu ca mắc COVID-19, Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Virus SARS-CoV-2 lây lan tới Brazil thông qua các khách du lịch giàu có trở về từ châu Âu tới các thành phố phía đông nam như Sao Paulo và Rio de Janeiro trước khi lan rộng vào bên trong quốc gia này.
Ông Bolsonaro, vị Tổng thống được mệnh danh là "Trump của Brazil" bị chỉ trích vì cách xử lý khủng hoảng dịch bệnh. Trong vòng hơn 1 tháng, 2 Bộ trưởng Y tế Brazil rời bỏ chức vụ vì bất đồng với ông trong cách chống dịch.
Ông Bolsonaro từng nhiều lần khẳng định COVID-19 chỉ là một dạng cúm thông thường và chỉ trích các thống đốc bang về kế hoạch phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Ông nhấn mạnh cách ly xã hội là "biện pháp gây chết người" nguy hiểm hơn cả virus vì thiệt hại kinh tế mà nó đem tới.
Nhà lãnh đạo Brazil cũng thúc đẩy việc sử dụng các loại thuốc chống sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine trong điều trị COVID-19 dù rất ít bằng chứng cho thấy chúng có tác dụng.
Áp lực từ Tổng thống và sự mệt mỏi của người dân sau nhiều tháng sống trong lệnh cách ly không hiệu quả khiến các thống đốc và thị trưởng nhiều bang Brazil bắt đầu dỡ bỏ hạn chế với thương mại và các hoạt động kinh tế khác.
Tuy nhiên các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo việc nới lỏng các hạn chế quá sớm có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.