"Virus đã ấn vào nút khởi động lại", Richard Bevan, giám đốc điều hành của Hiệp hội quản lý giải đấu (LMA) của bóng đá Anh ví von. Câu hỏi được đặt ra là bóng đá sẽ ra sao sau khi mọi thứ được thiết lập lại từ đầu?
Richard Bevan là một trong những nhân vật đã góp mặt trong các buổi họp nơi thượng tầng bóng đá Anh bàn cách ứng phó với đại dịch trong ngắn, trung và dài hạn.
"Hãy chấp nhận sự tái thiết này và tận dụng nó đúng cách", Bevan nói. "Hãy nghĩ xem chúng ta muốn bóng đá như thế nào mà không đi vào lối mòn. Mọi kịch bản đã bị xé bỏ, hãy viết lại một thứ mới hoàn toàn".
Bóng đá đỉnh cao vẫn chưa hẹn ngày trở lại.
Bevan chấp nhận giảm 20% lương trong ba tháng. Ông dự đoán rằng giá trị các thương vụ mua bán cầu thủ sẽ giảm tới 1 tỷ Bảng Anh khi thị trường chuyển nhượng mở cửa trở lại. Đại dịch sẽ tác động tức thì đến phí chuyển nhượng và tiền lương, những con số đã bị đẩy lên cao theo giá trị bản quyền truyền hình. Quả bong bóng đã vỡ.
Rất nhiều đơn vị truyền hình đang vận động giảm giá hợp đồng hiện tại và dự kiến sẽ đưa ra những con số thấp hơn ở lần thương thảo cho giai đoạn tiếp theo.
Dẫu vậy, sự điều chỉnh về mặt tài chính dẫn tới giảm áp lực tiền lương không phải là tệ nếu điều đó giúp các đội bóng vận hành ổn hơn và không tự làm khó mình. Có một thống kê không tốt được bàn tới trong thời gian gần đây: Tính trung bình, các câu lạc bộ ở giải Championship (dưới Ngoại Hạng Anh một bậc) phải chi ra 107 Bảng để thu về 100 Bảng.
Lúc này, những tranh cãi giữa cầu thủ và đội bóng ở giải Ngoại Hạng Anh xoay quanh chuyện giảm lương cho thấy sự thiếu tin tưởng lẫn nhau.
"Tôi cảm thấy mối quan hệ giữa CLB và cầu thủ đã thay đổi mãi mãi. Các cầu thủ đã bộc bạch, rằng họ không phải là một phần của đội bóng và các ông chủ, giám đốc sẽ phải đưa ra những quyết định lạnh lùng", một nhà quản lý ở Ngoại Hạng Anh nhìn nhận. Điều này sẽ dẫn tới việc các CLB đưa ra những bản hợp đồng có điều khoản chặt chẽ hơn, tạo ra sự bình ổn trong bóng đá.
Các đội bóng ở Ngoại Hạng Anh vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với cầu thủ trong giai đoạn khủng hoảng vì COVID-19.
Kieran Maguire, chuyên gia về tài chính trong bóng đá và đang là giảng viên Đại học Liverpool, đưa ra một vài giải pháp khả dụng.
Đầu tiên là mô hình quản lý tập quyền, vốn được cho là lý tưởng ở Mỹ, với một hội đồng, một nhân vật có đủ quyền lực điều hành các giải đấu mà không cần đến sự ủng hộ của 2/3 số thành viên hội đồng khi đưa ra quyết định. Người nắm quyền điều hành cao nhất cũng cần có "chống lưng", tốt nhất là bằng luật lệ và ảnh hưởng của chính quyền bởi ông chủ các đội bóng không dễ gì bỏ quyền lực của mình.
Một giải pháp đơn giản khác có thể giúp các đội bóng không rơi vào cảnh vỡ nợ vì tự làm khó mình bằng những thương vụ chuyển nhượng. Các CLB được khuyến cáo thực hiện các thương vụ mua cầu thủ bằng cách thanh toán trước 50% số tiền và trả góp phần còn lại trong một năm.
"Điều này sẽ giảm đi những khoản nợ khủng khiếp", Maguire gợi ý.
Bóng đá cũng sẽ thay đổi, theo Karl Robinson, huấn luyện viên của CLB Oxford United ở giải League One (hạng ba của Anh).
"Chúng ta có nghĩa vụ phải tận dụng đại dịch này để tạo nên một thế giới đáng sống hơn. Bóng đá cũng đang ở nơi tiền tuyến và chúng tỏ rằng chúng ta không ích kỷ, nông cạn. Tôi nghĩ trước khi chuyện này xảy ra, mọi người bắt đầu mát một chút tình yêu cho bóng đá rồi", Robinson nói.
Sẽ không còn những bản hợp đồng tài trợ với giá trị khổng lồ như trước và sẽ có những giải đấu bị mất đi, nhưng điều đó sẽ làm tăng tính cạnh tranh và tạo nên những sản phẩm tốt hơn cho người hâm mộ, theo Robinson.
"Ví dụ, nếu UEFA Nations League bị hủy, chúng ta có thể tập trung hơn cho các giải quốc nội. Ít trận đấu hơn, sự mệt mỏi giảm đi, các trận đấu có chất lượng cao hơn", Robinson nói.
Cuối cùng, ông đưa ra lời nhắn nhủ quan trọng nhất vào thời điểm hiện tại: "Chúng ta cần gắn bó hơn bao giờ hết với người hâm mộ, giữa cơn khủng hoảng này. Chúng ta đã thấy các cầu thủ gọi điện cho cổ động viên. Điều này có thường xảy ra trước đây không? Hãy hi vọng rằng khi bóng đá trở lại, các đội bóng sẽ tiếp tục thể hiện trách nhiệm như vậy".