Theo quyết định, Bộ trưởng giao Viện Khoa học công nghệ xây dựng chịu trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) của Bộ Công an và các đơn vị có liên quan tổ chức ngay nhiệm vụ đột xuất rà soát toàn bộ các vướng mắc về an toàn cháy trong hoạt động xây dựng.
Đồng thời, rà soát nội dung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình để xác định rõ các vướng mắc, nguyên nhân.
Từ đó, đề xuất các nội dung cần sửa đổi trong QCVN 06:2022. Đề xuất hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho nhà và công trình.
Cùng với đó, biên soạn sửa đổi QCVN 06:2022 đảm bảo các cơ sở khoa học, phù hợp điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Quyết định trên được đưa ra theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng).
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Minh Long - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho biết, nhiệm vụ trên được thực hiện theo quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Theo đó, các cơ quan chuyên môn của Bộ chỉ căn cứ trên văn bản góp ý/ thẩm duyệt về PCCC để tiến hành thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và căn cứ trên văn bản nghiệm thu về PCCC để kiểm tra nghiệm thu các công trình xây dựng kể từ năm 2013 đến nay.
Thợ sơn thi công tại công trình trong KCN Hải Phòng. (Ảnh: Hoài Anh)
Theo ông Long, thời gian qua, lãnh đạo Vụ cũng đã cùng với đoàn công tác của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH trực tiếp xuống các công trình sản xuất. Những vướng mắc ở đây chủ yếu tồn tại ở các công trình trong giai đoạn kéo dài từ năm 2001.
Dẫn chứng một nhà máy giấy ở Long Biên (Hà Nội), ông Long cho hay, công trình đã xây dựng từ năm 1961. Theo thời gian, các nhà xưởng được mở rộng "cơi nới". Đây là công trình cũ trong khi đó quy chuẩn là áp dụng cho các công trình xây mới.
"Đối với những công trình dạng này vẫn có những hiểu sai cho rằng phải áp dụng quy chuẩn mới cho toàn bộ công trình, hoặc một phần công trình có liên quan đến hạng mục cải tạo sửa chữa. Nhưng theo QCVN 06:2022 đã quy định rõ chỉ được áp dụng quy chuẩn trong phạm vi cải tạo sửa chữa đó và chỉ trong trường hợp cải tạo sửa chữa này làm tăng nguy cơ cháy của công trình. Không được áp dụng quy chuẩn ra ngoài phạm vi cải tạo sửa chữa.
Nghĩa là, thiết kế đã không theo quy chuẩn tiêu chuẩn. Theo luật PCCC là xử phạt, yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục. Tuy nhiên, đối với những trường hợp này, hai Bộ sẽ báo cáo Chính phủ phương án khắc phục bằng những giải pháp tình thế theo hướng bổ sung để an toàn hơn. Phương án khắc phục phải được cơ quan PCCC xác nhận. Sau đó chủ đầu tư phải có cam kết để vận hành công trình an toàn nhất” – ông Long nói.
Liên quan đến quy định sử dụng các vật liệu xây dựng chống cháy, trong đó có sơn chống cháy, lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho biết, vẫn có những ý kiến cho rằng, QCVN 06:2022 yêu cầu những loại sơn chống cháy chưa được lưu hành tại Việt Nam.
“Tôi xin khẳng định lại là quy chuẩn 06:2022/BXD hay các phiên bản trước đây chỉ đưa ra các yêu cầu về an toàn cháy đối với vật liệu xây dựng mà không bắt buộc phải dùng cụ thể loại vật liệu nào. Tùy theo tính hợp lý về kinh tế - kỹ thuật mà lựa chọn giải pháp thiết kế cho phù hợp. Nếu cấu kiện hoặc kết cấu mà không đáp ứng yêu cầu về giới hạn chịu lửa ứng với bậc chịu lửa của nhà hoặc công trình thì cần phải có giải pháp bảo vệ chống cháy tăng cường. Các giải pháp bảo vệ chống cháy có thể là: dùng sơn, ốp gạch, bê tông…, dùng vữa thông thường, kể cả vữa xi măng, hoặc vữa chống cháy, hoặc bọc bằng bê tông tạo thành kết cấu liên hợp, hoặc thay hẳn bằng vật liệu khác ví dụ như thép thay bằng bê tông…” – ông Long cho biết.
Được biết, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành rà soát các khó khăn, vướng mắc về PCCC các công trình xây dựng để đề xuất giải pháp tháo gỡ trước ngày 30/6.